Dân vận là nhiệm vụ trọng tâm, tạo sự đồng thuận và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác dân vận. Trong bài 'Dân vận', Người viết: 'Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài tặng quà gia đình chính sách

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài tặng quà gia đình chính sách

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người tăng qua các năm. Kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều công trình, dự án quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công tác chỉnh trang, xây dựng, mở rộng không gian phát triển đô thị ngày càng được chính quyền các cấp quan tâm chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được đầu tư và phát huy hiệu quả. Công tác giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả nổi bật. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.

Hiện nay, toàn Đảng bộ tỉnh đang nỗ lực, quyết liệt phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh. Trong thành tích chung của tỉnh, có đóng góp quan trọng của công tác dân vận và hệ thống dân vận trên địa bàn tỉnh, nổi bật trên một số điểm sau:

Thời gian qua, Ban Dân vận các cấp đã tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Ban hành 4 quy chế, 01 đề án và nhiều chỉ thị, kế hoạch, chương trình cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận. Tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đại hội các cấp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Chủ trì phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên Huế và Chương trình hành động số 02-CTr/BDVTU, ngày 20/5/2021 của Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa thiên Huế lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác dân vận.

Tập trung tuyên truyền, động viên Nhân dân tham gia thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của Nhân dân tham gia xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu phục vụ Nhân dân của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị thực hiện đảm bảo theo quy định. Chính quyền các cấp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính với mục tiêu xây dựng một nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”; xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Công tác thanh tra công vụ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật; qua đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào nền nếp; xử lý nghiêm những trường hợp cá nhân vi phạm đạo đức công vụ.

Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền chuyển biến mạnh mẽ theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, tìm hiểu các nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chính quyền và người đứng đầu chính quyền các cấp đã thường xuyên quan tâm, tăng cường chỉ đạo công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; phát huy tính dân chủ của Nhân dân trong việc tham gia bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khoản đóng góp của Nhân dân… Nhất là, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện dự án trọng điểm mang tính lịch sử như hoàn thành giai đoạn 1 dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả, ngày 22/7/2024, huyện A Lưới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg về công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện qua chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, DTI trong những năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế đứng trong top 10 toàn quốc. Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ nhất cả nước về chính quyền số, nhận giải thưởng ASOCIO hạng mục Chính phủ số, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh đã xuất sắc giành giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình, một phần và thực hiện Một cửa liên thông trên môi trường mạng.100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại; 100% UBND cấp huyện có phòng họp trực tuyến. Đặc biệt, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ cho người dân và doanh nghiệp; qua đó đã kịp thời tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị chính đáng của Nhân dân, doanh nghiệp đến các cấp, các ngành; đồng thời là kênh thông tin quan trọng giúp người dân trên địa bàn tỉnh phát huy dân chủ tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế những cách làm hay, những giải pháp có hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chính chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát động, triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn tỉnh tham gia.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.812 mô hình được đăng ký và triển khai thực hiện trên các lĩnh vực gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Nổi bật là các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, trong thực hiện Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, “Huế - Kinh đô của Áo dài”, “Huế - Kinh đô của Ẩm thực”, phong trào “xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng”, “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”;…

Việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội; đồng thời, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy Đảng với Nhân dân. Nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới có những chuyển biến tích cực. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được nâng lên. Việc xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp giữa Ban Dân vận với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng phát huy hiệu quả. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ký kết và phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phối hợp công tác dân vận với 8 đơn vị.

Treo cờ Tổ quốc, một trong những nét đẹp của người dân vùng ven biển, đầm phá. Ảnh: Anh Phong

Treo cờ Tổ quốc, một trong những nét đẹp của người dân vùng ven biển, đầm phá. Ảnh: Anh Phong

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận còn một số hạn chế. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, vị trí, vai trò công tác dân vận. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ. Công tác phối hợp thực hiện công tác dân vận có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng đội ngũ cốt cán tôn giáo ở một số nơi vẫn còn hạn chế. Một số địa phương việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” chưa được quan tâm đúng mức. Công tác nắm bắt và dự báo tình hình Nhân dân có việc còn bị động. Công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân có lúc chưa kịp thời; có kiến nghị của người dân giải quyết chậm, nhất là việc liên quan đến đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở một số nơi hiệu quả chưa cao, có nơi còn lúng túng.

Góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI và Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, hệ thống chính trị trong toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm về công tác dân vận cụ thể như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các chương trình mục tiêu quốc gia, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nâng cao nhận thức, hành động, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với chủ trương xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Thứ hai, tăng cường đổi mới công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương… để Nhân dân biết và thực hiện quyền giám sát đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; kịp thời giải quyết những vấn đề Nhân dân quan tâm. Tiếp tục thực hiện tốt quy định về đạo đức công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Khối dân vận xã, phường, thị trấn; Ban Thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở.

Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo, công tác dân tộc. Chú trọng công tác vận động, tập hợp đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào là tín đồ các tôn giáo. Xây dựng, quản lý và phát huy vai trò cốt cán trong tôn giáo; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua và các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Thứ tư, tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, các loại hình sinh hoạt, tập hợp đoàn viên, hội viên. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và của Nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình Nhân dân, nhất là việc theo dõi, nắm tình hình Nhân dân đối với đại hội Đảng các cấp và tổng hợp ý kiến của Nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Nhiều công trình, dự án lớn của tỉnh đã và đang xây dựng trên tinh thần đồng thuận của người dân. Ảnh: Phong Anh

Nhiều công trình, dự án lớn của tỉnh đã và đang xây dựng trên tinh thần đồng thuận của người dân. Ảnh: Phong Anh

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức phát động, hướng dẫn và triển khai xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các phong trào, các cuộc vận động “Ngày Chủ nhật xanh”, “Xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng”, “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”; “Ngày Chủ nhật xanh”, các mô hình trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế; các mô hình tự quản tại khu dân cư… Chú trọng việc đánh giá, tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động tại địa phương.

Thứ sáu, thường xuyên xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vững mạnh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ tham mưu cho cấp ủy về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo có trình độ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong tình hình mới.

* Năm 2023, GRDP bình quân đầu người của Thừa Thiên Huế đạt gần 2.700 USD, tăng gần 950 USD so với năm 2013.

* Giai đoạn 2014 - 2024 đã thực hiện tổng cộng 8.299 cuộc tiếp dân định kỳ (cấp huyện 364 cuộc; cấp xã 7.933 cuộc) và 152 cuộc tiếp dân đột xuất; 19.846 lượt công dân kiến nghị, phản ánh tại các phiên định kỳ (cấp huyện 2.067 lượt, cấp xã 17.779 lượt) và 434 lượt công dân kiến nghị, phản ánh tại các phiên đột xuất; trong đó đã giải quyết 11.466 ý kiến,đạt 57,77% (cấp huyện 1.542 ý kiến, đạt 74%; cấp xã 9.924 ý kiến, đạt 55,82%), còn 481 ý kiến (cấp huyện 39 ý kiến, cấp xã 442 ý kiến) đang tiếp tục giải quyết hoặc chuyển cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các cấp, các ngành đã thực hiện công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất với 14.948 lượt công dân được tiếp (trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 1.041 lượt công dân; Thủ trưởng các sở, ngành tiếp 278 lượt công dân; Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp 3.998 lượt; Chủ tịch UBND cấp xã tiếp 9.631 lượt); đã giải quyết và chỉ đạo giải quyết 13.331 vụ, trong đó: Chủ tịch UBND tỉnh 1.055 vụ việc; Thủ trưởng các sở, ngành 272 vụ việc; Chủ tịch UBND cấp huyện 3.565 vụ việc; Chủ tịch UBND cấp xã 8.439 vụ việc; còn 08 vụ việc đang giải quyết.

* Năm 2021: Chỉ số PAPI của Thừa Thiên Huế xếp vị thứ nhất toàn quốc; PCI xếp vị thứ 8 toàn quốc; PAR Index xếp thứ 4 toàn quốc; DTI xếp vị thứ 2 toàn quốc. Năm 2022: PAPI xếp vị thứ 5 toàn quốc; PCI xếp vị thứ 6 toàn quốc; PAR Index xếp thứ 19 toàn quốc; DTI xếp vị thứ 4 toàn quốc. Năm 2023: PAPI xếp vị thứ nhất toàn quốc; PCI xếp vị thứ 8 toàn quốc; PAR Index xếp thứ 17 toàn quốc.

* Nền tảng Hue-S đã có hơn 1 triệu lượt tải, 915.932 tài khoản đăng ký trong đó: hơn 800.000 tài khoản của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế, kết nối công dân Thừa Thiên Huế tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước và hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nguyễn Chí Tài - UVBTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy,

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/dan-van-la-nhiem-vu-trong-tam-tao-su-dong-thuan-va-dap-ung-yeu-cau-trong-tinh-hinh-moi-147469.html
Zalo