Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài 2: Khơi dậy tinh thần tương thân tương ái

Phong trào 'Dân vận khéo' (DVK) đã lan tỏa khắp các miền quê trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Xuất phát điểm các mô hình DVK có khi là từ những việc nhỏ nhưng rất thiết thực như: tự nguyện vá những ổ gà, bồi lại đoạn đường bị sụt lún, sạt lở; vận động hộ khá, giàu cho hộ nghèo mượn đất cất nhà, đất sản xuất; nhận đỡ đầu học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn… thế rồi được lan tỏa, nhân rộng thành mô hình hiệu quả, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, thiết thực mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân, nhất là người yếu thế.

Việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn

Trước thời điểm sắp xếp, Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy U Minh ban hành Kế hoạch số 01, ngày 6/3/2025 phát động phong trào thi đua DVK trong việc vận động hộ dân có điều kiện về tư liệu sản xuất cho hộ nghèo mượn, thuê với chi phí thấp trên địa bàn huyện. Đến nay, đã có 43 hộ tình nguyện đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, cho thuê đất giá thấp 11 hộ; cho mượn đất 27 hộ; cho mượn vốn mua bán nhỏ, mua cây, con giống 5 hộ.

Ông Đoàn Việt Khoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Phích (nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện U Minh), chia sẻ: "Trong quá trình kiểm tra chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và công tác giảm nghèo ở cơ sở, chúng tôi có đến thăm một hộ nghèo, không đất sản xuất. Nhưng được được hộ hàng xóm cho mượn đất bờ vuông còn trống để trồng lúa. Nhờ vậy có thu nhập cho gia đình. Nhận thấy hình thức trợ giúp này khá thiết thực, tôi gợi mở Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy xây dựng và ban hành Kế hoạch 01 và nhận được sự đồng thuận rất cao".

 Nhờ lòng tốt của anh Nguyễn Chí Uẩn (bìa phải) cho mượn đất cất nhà, ông Nguyễn Văn Cung (giữa) được sống trong ngôi nhà mới.

Nhờ lòng tốt của anh Nguyễn Chí Uẩn (bìa phải) cho mượn đất cất nhà, ông Nguyễn Văn Cung (giữa) được sống trong ngôi nhà mới.

Ông Nguyễn Văn Cung (62 tuổi) không đất sản xuất, hoàn cảnh đơn chiếc, lại bị khuyết tật ở chân, hơn 20 năm qua ông sống trong căn nhà tạm ven sông, mưu sinh bằng nghề ráp lú. Ông Cung đủ điều kiện được hỗ trợ nhà theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng không có đất cất nhà. Thấy vậy, anh Nguyễn Chí Uẩn, Ấp đội trưởng Ấp 4, xã Nguyễn Phích, đã tình nguyện cho ông Uẩn mượn đất cất nhà, thời hạn 20 năm.

Ông Cung nghẹn ngào: "Tôi mừng rơi nước mắt. Tôi sống một mình, không bà con thân thích, nhờ lòng tốt của cháu Uẩn mà tôi có được căn nhà mới, kiên cố, đây điều mà trước đây tôi nghĩ chỉ có trong mơ. Để không phụ lòng Đảng, Nhà nước và cháu Uẩn đã chung tay giúp đỡ, tôi luôn cố gắng lao động vươn lên".

Hộ chị Phạm Thị Cẩm Ngoan và chị Lê Chúc Tình (Ấp 8, xã Nguyễn Phích) đều thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất. Sau khi phong trào thi đua DVK theo Kế hoạch 01 được phát động, gia đình chị Ngoan, chị Tình đã được người thân, hàng xóm đăng ký cho mượn đất để trồng rau màu, góp phần giúp 2 gia đình có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chị Lê Chúc Tình được người chú cho mượn đất trồng hoa màu.

Chị Lê Chúc Tình được người chú cho mượn đất trồng hoa màu.

"Rất mừng khi xã Nguyễn Phích có đến 16 trong tổng số 43 cá nhân, tập thể đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, hộ thiếu đất sản xuất vươn lên. Điển hình như tập thể Chi bộ Ấp 10 góp quỹ để hỗ trợ heo giống cho hộ nghèo; Hội Cựu chiến binh (CCB) xã cho hộ nghèo vốn phát triển sản xuất; hộ ông Huỳnh Văn Dằn và bà Nguyễn Kim Gương, Ấp 12, cho hộ nghèo mượn đất cất nhà, trồng hoa màu…", ông Đoàn Việt Khoa phấn khởi cho biết.

"Những việc trên tưởng nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đối với hộ nghèo, hộ thiếu tư liệu sản xuất. Ý nghĩa hơn khi tình người, truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái giữa hàng xóm, người thân được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng", ông Đoàn Việt Khoa tâm đắc.

Lan tỏa nghĩa cử đẹp

Tại huyện Đầm Dơi ngày trước, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Ban Chấp hành Hội CCB huyện đã chủ động phát động phong trào “CCB tham gia vá lộ giao thông nông thôn” với phương châm “tự nguyện, tự giác, lấy hội viên làm nòng cốt, phối hợp với các tổ chức đoàn thể và sự đồng thuận của người dân”. Đây là một trong những mô hình DVK hiệu quả được duy trì, nhân rộng trong nhiều năm qua.

Trong 5 năm (2020-2025), Hội CCB huyện đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tổ chức 612 cuộc ra quân, dặm vá hơn 320 tuyến đường nông thôn, với tổng chiều dài hơn 127.000 m. Lực lượng tham gia lên đến hơn 22.000 lượt người, trong đó có hơn 5.500 lượt hội viên CCB. Tổng giá trị vật tư, công lao động và các chi phí khác ước tính khoảng 2,9 tỷ đồng, mà phần lớn từ nguồn xã hội hóa và sự đóng góp tích cực của hội viên, Nhân dân.

Hội viên CCB xã Thanh Tùng dặm, vá lộ hư hỏng.

Hội viên CCB xã Thanh Tùng dặm, vá lộ hư hỏng.

"Trong đó, đáng biểu dương là tập thể Chi hội CCB xã Ngọc Chánh cũ, nay thuộc xã Thanh Tùng. Cá nhân điển hình có ông Nguyễn Quốc Việt (thương binh 2/4, ngụ ấp Hải An, xã Nguyễn Huân cũ, nay thuộc xã Tân Tiến), từ năm 2020 đến nay ông đã vận động và đóng góp tiền cá nhân trên 400 triệu đồng cho các hoạt động... Tất cả tạo được sự đồng thuận cao, mang hiệu quả thiết thực và mang lại niềm vui lớn cho người dân”, ông Trần Thanh Hòa, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đầm Dơi cũ, cho biết.

Tại phường Giá Rai, mô hình DVK gắn với học Bác: “Nhà giáo Giá Rai nhận đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn” đã duy trì, phát huy hiệu quả hơn 10 năm qua, với mỗi năm học có hàng trăm em học sinh khó khăn được tiếp sức bám lớp, bám trường.

Thầy Nguyễn Nhật Ngân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hộ phòng B (phường Giá Rai), điển hình trong thực hiện phong trào, chia sẻ: "Bình quân mỗi năm học nhà trường có trên 600 em học sinh, trong đó khoảng 70% là học sinh dân tộc Khmer; số học sinh có hoàn cảnh khó khăn chiếm khá nhiều. Hằng năm, nhà trường vận động mọi nguồn lực đóng góp để hỗ trợ đồng phục, dụng cụ học tập, học bổng, xe đạp, nhu yếu phẩm, bảo hiểm y tế, nhà ở… cố gắng không để các em bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khan. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ trên 700 triệu đồng".

Cùng với chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm của Nhà nước, thầy Nguyễn Nhật Ngân (bìa phải) trích kinh phí vận động của nhà trường, hỗ trợ thêm 50 triệu đồng cho học sinh nhà trường bị mắc bệnh hiểm nghèo.

Cùng với chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm của Nhà nước, thầy Nguyễn Nhật Ngân (bìa phải) trích kinh phí vận động của nhà trường, hỗ trợ thêm 50 triệu đồng cho học sinh nhà trường bị mắc bệnh hiểm nghèo.

Những mô hình, cách làm thiết thực như trên càng tô thắm hình ảnh đẹp Bộ đội Cụ Hồ; những tấm gương thầy, cô giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người; những cán bộ, đảng viên, người dân tiên phong, tình nguyện giúp đỡ hộ nghèo vươn lên… Qua đây, góp thêm thành công cho phong trào DVK tỉnh nhà và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.

Loan Phương

Bài cuối: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dan-van-kheo-vun-dap-niem-tin-bai-2-khoi-day-tinh-than-tuong-than-tuong-ai-a120793.html
Zalo