Chủ tịch nước: Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác thương mại trong APEC
Chủ tịch nước Lương Cường kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC tăng cường hợp tác, nâng cao khả năng thích ứng.
Sáng 16-7, tại Hải Phòng, Chủ tịch nước Lương Cường đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ ba năm 2025 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC 2025 (ABAC III).

Chủ tịch nước Lương Cường và các lãnh đạo, đại biểu tới dự khai mạc ABAC III
Phát biểu trước hơn 200 đại biểu quốc tế và trong nước, bao gồm các thành viên ABAC từ 21 nền kinh tế APEC, Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá trong suốt chặng đường 36 năm hình thành và phát triển, APEC đã khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực, là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, bảo đảm hòa bình, ổn định, kết nối và thịnh vượng cho khu vực.
Chủ tịch nước nêu rõ ABAC giữ vai trò cầu nối then chốt giữa các khu vực tư nhân và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. ABAC không chỉ đề xuất chính sách thuận lợi cho kinh tế mà còn trực tiếp tham gia kiến tạo các giải pháp thiết thực để củng cố chuỗi giá trị, thúc đẩy đầu tư, khơi thông dòng chảy thương mại và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Những sáng kiến từ ABAC sẽ tiếp tục là động lực cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Chủ tịch nước cho rằng hợp tác đa phương và đối thoại công - tư càng trở nên quan trọng và cần phải được đẩy lên một tầm cao mới trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những chuyển biến địa chính trị sâu sắc, chứng kiến sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch với nhiều rủi ro tiềm ẩn, các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, sự thay đổi về chính sách thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng,

Quang cảnh phiên khai mạc ABAC III
Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá với vai trò là cơ chế đại diện chính thức của cộng đồng doanh nghiệp APEC, giữ vai trò cầu nối then chốt giữa khu vực tư nhân và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, ABAC không chỉ đề xuất các chính sách thuận lợi cho kinh tế mà còn trực tiếp tham gia kiến tạo các giải pháp thiết thực để củng cố chuỗi giá trị, thúc đẩy đầu tư, khơi thông dòng chảy thương mại và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Các chủ đề về thương mại tự do và đầu tư bền vững; chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo; tài chính xanh và phát triển bền vững; an ninh y tế và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại kỳ họp lần này đều là những ưu tiên lớn của Việt Nam trong chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
"Việt Nam luôn coi trọng hợp tác APEC và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn APEC 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai. Điều này được thể hiện rõ qua những nỗ lực của Việt Nam kể từ khi gia nhập APEC năm 1998 và tự hào đã tổ chức thành công Năm APEC 2006 và 2017. Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy và tạo điều kiện cho hợp tác thương mại và đầu tư trong khu vực" - Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên khai mạc ABAC III
Chủ tịch nước nhấn mạnh với vai trò trung tâm trong mạng lưới liên kết kinh tế khu vực và các hiệp định thương mại tự do đa phương, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư lợi thế tiếp cận đa dạng thị trường và chuỗi cung ứng toàn khu vực. Vì thế, đầu tư vào Việt Nam không chỉ là đầu tư vào một nền kinh tế năng động, ổn định và đang phát triển nhanh chóng, mà còn là bước đi chiến lược để kết nối với các đối tác lớn và tiềm năng trên thế giới, cũng như các khu vực tự do thương mại khác.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam đang hướng tới một tương lai phát triển toàn diện, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp tăng tốc phát triển, với một số mục tiêu quan trọng trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, chuyển đổi số và công nghệ, kinh tế xanh và tuần hoàn, qua đó đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chủ tịch nước Lương Cường chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Nhấn mạnh khu vực APEC phát triển bền vững không thể thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC hãy cùng nhau tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, chia sẻ công nghệ, nâng cao khả năng thích ứng trước các cú sốc toàn cầu; đồng thời khuyến khích các tổ chức như ABAC, các doanh nghiệp lớn trong khu vực tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSMEs), thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác thị trường để họ có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chủ tịch nước cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hợp tác APEC theo hướng lấy con người làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm động lực và lấy phát triển bền vững làm mục tiêu; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ABAC trong việc xây dựng các khuyến nghị chính sách thiết thực, phản ánh đúng kỳ vọng và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Kỳ họp ABAC III diễn ra từ ngày 15 đến này 18-7, tại TP Hải Phòng quy tụ hơn 200 đại biểu là thành viên ABAC và các trợ lý, trong đó có các lãnh đạo tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp hàng đầu từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Tại kỳ họp, các thành viên ABAC sẽ thảo luận nhiều chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự APEC 2025, bao gồm: Thương mại và đầu tư, tài chính bền vững, chuyển đổi số, phát triển xanh, đổi mới sáng tạo, an ninh lương thực và y tế.
Các sáng kiến nổi bật của ABAC sẽ được tổng hợp và trình lên các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 10-2025 tại Hàn Quốc.