'Dân vận khéo' trong xây dựng NTM ở Phù Yên • Kỳ I: Những cách làm linh hoạt, phù hợp từ cơ sở
Trao đổi với phóng viên báo chí, Bí thư Huyện ủy Phù Yên Nguyễn Viết Hưng đau đáu một câu chuyện: “Xây dựng nông thôn mới phải thực chất, hiệu quả, bền vững; chú trọng các tiêu chí về đời sống nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và bảo đảm an ninh, an toàn xã hội”.
Vạn sự khởi đầu nan
Năm 2011, bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), ngày ấy, Phù Yên là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trình độ dân trí không đồng đều; địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn. Thời điểm đó, toàn huyện mới có 3/26 xã đạt 5-7 tiêu chí; 22 xã đạt dưới 5 tiêu chí; 1 xã chưa đạt tiêu chí nào. Đây là bài toán nan giải đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Đồng chí Cầm Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Yên, cho biết: Nghị quyết Đảng bộ huyện Phù Yên nhiệm kỳ 2010-2015 xác định: Phát triển kinh tế để tạo đà xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền các xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế đưa vào sản xuất. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, tập trung mọi nguồn lực xây dựng mô hình trồng cây ăn quả có múi, phát triển chăn nuôi, thủy sản; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông nông thôn, nước sinh hoạt phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân.
Tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, Huyện thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ huyện đến các xã. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo bước chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Theo ông Cầm Vĩnh Chi, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phù Yên, để tạo được sự đồng thuận trong xây dựng NTM, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm xã, chỉ đạo sát từng đảng ủy xã, thị trấn, đồng thời cử cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện trực tiếp về xã tuyên truyền, vận động theo cách “mưa dầm thấm sâu” về vai trò chủ thể, về lợi ích, trách nhiệm của người dân tham gia xây dựng NTM. Từ đó, không trông chờ ỷ lại vào nhà nước, tự lực, tự cường, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế; đóng góp ngày công lao động, tiền mặt, hiến đất mở rộng các tuyến đường nội bản, liên bản.
Thời gian đầu cũng còn có những hộ dân băn khoăn khi phải chặt bỏ cây ăn quả, phá dỡ hàng rào để mở rộng đường. Nhưng khi một số hộ tiên phong hiến hàng trăm mét đất để làm đường đã làm thay đổi suy nghĩ của bà con. Bởi họ tin rằng, tuyến đường được đổ bê tông sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, mang lại diện mạo NTM cho bản mình. Điển hình ở bản Khoa 1, xã Tường Thượng, ông Lò Văn Mệch hiến 650 m² đất; ông Hoàng Văn Chia hiến 500 m2 đất làm đường và các công trình hành lang giao thông của bản. Đây chỉ là hai trong hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến đất xây dựng NTM của huyện Phù Yên. Trong thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Anh Cầm Vĩnh Tri, Bí thư Huyện đoàn, chia sẻ: Từ năm 2010 đến nay, tuổi trẻ trong huyện đã đóng góp ngày công tham gia xây dựng, sửa chữa gần 60 km đường giao thông nông thôn, 40 km mương nội đồng, 16 nhà văn hóa bản; xây dựng 20 tuyến đường thanh niên tự quản; 2 công trình “Ánh sáng bản làng”, hỗ trợ kinh phí xây dựng 121 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.
Các cấp hội phụ nữ duy trì gần 100 CLB “5 không, 3 sạch”, gắn với thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. Bà Hà Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Hội đã hỗ trợ xóa nhà tạm cho 40 hội viên; tạo điều kiện cho trên 16.000 lượt hộ gia đình hội viên vay 234 tỷ đồng từ các ngân hàng để cải tạo nhà ở, xây dựng công trình vệ sinh. Các đợt thi đua “Mỗi phụ nữ - một cây xanh”, “Mỗi cơ sở hội - một công trình cây xanh”, các cơ sở hội đã trồng trên 21 nghìn cây bóng mát, cây ăn quả tại khu công cộng, nhà văn hóa bản...
Các hội viên Hội Nông dân đóng góp hơn 19 tỷ đồng và 122 nghìn ngày công lao động tu sửa 833 km đường giao thông nông thôn liên xã, liên bản; làm mới 170 km đường liên bản, đi khu sản xuất; nạo vét trên 46 nghìn m³ bùn, đất tại mương chính, mương nội đồng; sửa chữa, làm mới gần 11 km mương phai, cầu, cống tạm, bán kiên cố; hiến 2.760 m² đất xây dựng các công trình công cộng.
Điểm nhấn trong xây dựng NTM, huyện Phù Yên đã huy động trên 7.300 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng; các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác trên 10,6 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 110 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã đầu tư xây dựng gần 250 công trình điện, nước, giao thông, thủy lợi, trường, lớp học, y tế, nhà văn hóa...
Những cách làm hay ở cơ sở
Là xã đầu tiên của huyện cán đích NTM vào năm 2017, ông Cầm Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phù, chia sẻ: Đảng ủy thống nhất chọn những tiêu chí đầu tư ít vốn làm trước; khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo động lực để thực hiện các tiêu chí khác. Trước đây, các tuyến đường trục bản và nội bản của xã, chỉ rộng từ 1,1-1,8m, nên xe ô tô không vào được, bà con phải tốn kém thêm chi phí vận chuyển. Giai đoạn 2013-2014, Đảng ủy xã cử cán bộ về bản để giải thích và phân tích lợi ích của việc làm đường bê tông; vận động các hộ dân sống ở 2 bên đường tự nguyện hiến đất để mở rộng đường mỗi bên từ 0,5-1,5 mét. Nhân dân đều đồng thuận cao, nhờ vậy, quá trình thi công nhanh chóng và đúng tiến độ. Thực hiện tốt các mô hình “dân vận khéo”, nhân dân trong xã đã hiến 14.000 m2 đất làm đường giao thông nội bản, liên bản; góp trên 8.000 ngày công làm đường, xây dựng nhà văn hóa bản. Hiện nay, xã đang tập trung xây dựng NTM nâng cao.
Đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, kinh nghiệm mà Mường Cơi đúc rút được đó là, tập trung phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất nương. Ông Hà Văn Phương, Bí thư Đảng ủy xã Mường Cơi, thông tin: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, cả xã mới có 10% số tuyến đường trục bản, nội bản được cứng hóa; thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm. Diện tích đất canh tác khoảng 1.000 ha, tuy nhiên chỉ cấy lúa, gieo ngô; chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Đảng bộ xã đã họp mở rộng đến bí thư chi bộ, trưởng bản, bàn bạc và thống nhất việc chuyển đổi từ trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả có múi, như cam, bưởi và quýt.
Việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc đã làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của bà con. Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ bản tuyên truyền, vận động, phân tích, giải thích cho bà con hiểu rõ lợi ích, hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng. UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con theo cách “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây theo từng giai đoạn phát triển. Phối hợp với các ngân hàng cho hàng trăm lượt hộ dân có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất... Đến nay, xã Mường Cơi có 250 ha cây ăn quả có múi; trong đó gần 180 ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân hằng năm đạt trên 1.400 tấn quả các loại. Thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của cánh đồng Mường Tấc, Đảng ủy xã Quang Huy thống nhất tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Ông Sa Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã, cho hay: Thời điểm năm 2012, cơ sở hạ tầng của xã còn hạn chế, khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân chưa cao. Giai đoạn 2012-2019, xã được huyện hỗ trợ hơn 81 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 14 tỷ đồng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Quang Huy thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, bàn bạc thống nhất cách làm, mức đóng góp; công khai, minh bạch nguồn kinh phí. Phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng các bản giám sát quá trình thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, giám sát việc thu, chi nguồn kinh phí làm đường... Nhờ vậy, các tuyến đường liên xã, nội bản, đường trục chính đã được bê tông hóa, với tổng chiều dài hơn 20 km. Đồng thời, xây dựng, sửa chữa và nâng cấp 14 nhà văn hóa, khu thể thao phục vụ cộng đồng; kiên cố hóa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Quang Huy đang hướng đến xây dựng NTM nâng cao.
Linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở, mà điểm nhấn là huy động được nhân dân tích cực tham gia. Vượt qua nhiều khó khăn, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, năm 2018, Phù Yên đã thoát khỏi diện nghèo giai đoạn 2018-2020.
(Còn nữa)