'Dân vận khéo' ở vùng đồng bào dân tộc Mông
Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 'Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025' ra đời là 'luồng gió' thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã Quang Chiểu, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Mường Lý, Trung Sơn, Sơn Thủy, Na Mèo.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4) hướng dẫn người dân xã Mường Chanh thu hoạch cỏ voi phục vụ chăn nuôi.
Đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung ở 43 bản, thuộc 9 xã khu vực miền núi của tỉnh, bao gồm: Quang Chiểu, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Mường Lý, Trung Sơn, Sơn Thủy, Na Mèo, với 3.903 hộ dân/20.694 nhân khẩu. Các địa phương đồng bào dân tộc Mông sinh sống đều có địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bởi thế, Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” ra đời, đã giúp đồng bào dân tộc Mông dần thay đổi về nhận thức, xóa bỏ tự ti, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đó còn là “luồng gió” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các xã nói trên.
Để Kết luận số 684-KL/TU sớm đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Dân vận Tỉnh ủy (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy) chủ trì tham mưu xây dựng Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025". Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị và các ngành công an, quân sự, biên phòng của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận số 684-KL/TU. Trọng tâm là tăng cường quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị và cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông. Chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”.
Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giai đoạn 2022-2024, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức 9 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông cho đội ngũ cán bộ cơ sở các địa phương; 4 lớp thực hiện mô hình “chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”. Ban Dân tộc và Tôn giáo tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ cho 1.320 đại biểu là cán bộ, công chức xã và người dân tại các bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống; 12 hội nghị tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống cho 2.041 đại biểu tại các xã biên giới và các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc Mông; 9 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 1.645 đại biểu người dân tộc Mông; mở 15 lớp nâng cao năng lực cho 1.326 đại biểu thôn, bản trên địa bàn các xã có đồng bào dân tộc Mông...
Với tinh thần “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị cấp tỉnh cùng cấp ủy đảng, chính quyền 9 xã vùng đồng bào dân tộc Mông đã hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, tập quán sản xuất, sinh hoạt, thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai ngay tại thôn, bản theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Cụ thể, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” tại các xã có đồng bào Mông. Đến nay, 9/9 xã vùng đồng bào dân tộc Mông đã xây dựng thành công mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”. Cùng với đó, Công an tỉnh xây dựng và ra mắt các mô hình tự quản về an ninh trật tự, “Camera giám sát an ninh trật tự”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Bản sạch về ma túy”, “Xã sạch về ma túy”, “Nhà trường với công tác phòng, chống ma túy học đường”, “Phòng, chống công dân xuất cảnh trái pháp luật”. Hay Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình “Vườn rau xanh, nhà sạch đẹp, bếp ngăn nắp, chuồng xa nhà”, “Nhà sạch, di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà”, “Phụ nữ giữ gìn và phát huy bản sắc văn, hóa dân tộc Mông”. Đó còn là việc triển khai hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cần thiết với phụ nữ và trẻ em”.
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh trong việc đưa nhanh Kết luận số 684-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào cuộc sống đồng bào dân tộc Mông. Thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” với quần chúng Nhân dân, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền 9 xã vùng đồng bào dân tộc Mông xây dựng và thực hiện các phong trào, cuộc vận động, chương trình, mô hình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa bàn khu vực biên giới. Tiêu biểu như phong trào “Bộ đội biên phòng chung sức XDNTM”, cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Bộ đội biên phòng chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các Đồn Biên phòng: Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý phối hợp với Công ty CP Sản xuất, chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh triển khai mô hình trồng “Cây sắn năng suất cao” trên địa bàn để nhân rộng mô hình cho Nhân dân các xã khu vực biên giới. Mặt khác, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn 9 xã vùng đồng bào dân tộc Mông đã chủ động thành lập tổ công tác xuống từng bản hỗ trợ và tham gia cùng Nhân dân thực hiện XDNTM. Theo đó, các đơn vị đã huy động 8.216 ngày công, hỗ trợ 355 tấn xi măng và 4,262 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại 43 bản đồng bào dân tộc Mông.
Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 684-KL/TU, đến nay trên địa bàn 9 xã vùng đồng bào dân tộc Mông đã xây dựng được 159 mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa mới. Các mô hình đã hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông phát triển toàn diện, nâng cao thu nhập và đời sống. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc Mông trong 3 năm (2022-2024) đạt 18,25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm giảm khoảng 3,4%. Đến nay, có 37/43 bản vùng đồng bào dân tộc Mông có và sử dụng hiệu quả nhà văn hóa bản, đạt 86%; tỷ lệ tảo hôn giảm còn 5,8%, tình trạng hôn nhân cận huyết thống cơ bản không còn.