Lợn chết hàng loạt, người dân đào sẵn hố chờ tiêu hủy thay vì bán tháo
Một xã miền núi của TP Huế đến nay ghi nhận hơn 100 con lợn chết. Dự báo tình trạng này sẽ tiếp diễn, một hộ chăn nuôi chủ động đào sẵn hố để chờ tiêu hủy thay vì giết thịt, bán tháo.
Đào sẵn hố tiêu hủy
Nửa tháng nay, ông Cao Viết Hùng (63 tuổi, trú tại thôn 9, xã Nam Đông) sống trong tâm trạng nặng trĩu khi đàn lợn 25 con lần lượt mắc bệnh, chết dần. Đàn lợn vốn là nơi ông gửi gắm hy vọng về nguồn thu nhập kinh tế ổn định cho cả gia đình giờ đây trở thành nỗi bất an.
Theo đó, gia đình ông Hùng nuôi 2 lợn nái và 23 con lợn thịt được hơn ba tháng, đàn lợn phát triển tốt, khỏe mạnh và đang chuẩn bị đến giai đoạn xuất bán. Nhưng đầu tháng 7, bất ngờ một con nái bỏ ăn, da ửng đỏ.
"Tôi chủ động mua thuốc về điều trị nhưng chỉ vài ngày sau lợn lăn ra chết, nhiều con khác cũng có biểu hiện tương tự", ông Hùng nói.


Những con lợn còn lại trong chuồng của hộ ông Hùng đang có dấu hiệu mắc bệnh.
Đến thời điểm này, ông Hùng tiêu hủy 10 con lợn theo hình thức chôn lấp trong vườn, kết hợp rắc vôi bột và phun khử khuẩn. Tuy nhiên, 15 con còn lại trong chuồng đều đang có dấu hiệu nhiễm bệnh.
"Dù thiệt hại lớn về kinh tế nhưng tôi không hề nghĩ đến chuyện bán tháo hay giết mổ lợn bệnh để vớt vát. Làm vậy là trái lương tâm gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng", ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho biết, những con lợn còn lại sẽ khó khỏi bệnh nên ông đào sẵn hố ở trong vườn để sẵn sàng chôn lấp. Việc đàn lợn mắc bệnh, chết hàng loạt gây thiệt hại khoảng 140 triệu đồng bao gồm các chi phí trong quá trình chăn nuôi.
Hàng trăm con lợn chết
Ông Cao Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đông cho biết, đến nay toàn xã ghi nhận hơn 100 con lợn chết, tình trạng này xảy ra tại các thôn La Vân, Phú Nhuận, 5, 8 và 9. Lợn chết chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn.
Theo ông Bé, sau khi nhận được thông tin từ người dân, xã phối hợp cùng lực lượng thú y đi kiểm tra và xử lý phun kháng sinh, khử trùng, đồng thời hướng dẫn người dân chôn lấp theo quy định.

Hộ ông Hùng đào sẵn hố để tiêu hủy lợn chết do mắc bệnh.
UBND xã có văn bản yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền người dân không buôn bán, không giết mổ lợn bệnh mà tiêu hủy đúng quy định.
"Lợn chết hàng loạt nhưng chưa thể khẳng định mắc bệnh gì. Hiện chúng tôi đang phối hợp ngành chăn nuôi thú y lấy mẫu, phân tích dịch bệnh. Tình hình vẫn diễn biến phức tạp, số lợn chết có thể tiếp tục tăng", ông Bé cho biết.
Sáng cùng ngày, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Huế khóa VIII, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại Huế đang được kiểm soát tốt.
"Mặc dù vẫn ghi nhận một số điểm dịch tả lợn, dịch tai xanh cục bộ, nhỏ lẻ nhưng đều được phát hiện kịp thời, tổ chức tiêu hủy và khống chế triệt để tại chỗ, không để lây lan diện rộng", ông Đức nói.
Theo ông Đức, hiện đàn lợn trên địa bàn an toàn, qua kiểm tra, lấy mẫu chưa có dịch bệnh. Người dân nên yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y. Đồng thời, lưu ý người dân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, chế biến thịt kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm.