Dân tộc Mường ở Sơn La
Dân tộc Mường có 92.074 người, chiếm 6,94% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu ở các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu.
Người Mường còn có tên gọi là Mol, Mual, Moi. Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Người Mường thờ cúng tổ tiên và tin vào đa thần giáo.
Dân tộc Mường sống định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Nhà ở là nhà sàn ba gian hai chái. Phần trên sàn người ở, dưới gầm để cối giã gạo, các công cụ sản xuất khác.
Người Mường làm ruộng từ lâu đời. Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Trước đây, đồng bào trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hàng ngày. Người Mường nổi tiếng bởi cách làm rượu cần, hương vị thơm men lá. Rượu cần được đem ra mời khách quý và uống trong các cuộc vui tập thể.
Trang phục của nam giới Mường là bộ quần áo màu chàm. Phụ nữ đội khăn màu trắng hình chữ nhật, mặc yếm và áo cánh ngắn thân có xẻ ngực (có nơi xẻ vai), ít cài cúc. Váy của phụ nữ Mường khá dài, mặc cao đến nách. Những chiếc cạp váy được dệt bằng tơ nhuộm màu, tạo những hoa văn hình học và những hình con rồng, phượng, hươu, chim… tuyệt đẹp.
Dân tộc Mường có nhiều lễ hội hằng năm, như: Hội xuống đồng (Khuông mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng 7, 8 âm lịch), lễ cơm mới…
Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường khá phong phú, có các thể loại: Thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi… Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo, trống, khèn lù.