Dân tộc Mông ở Sơn La
Dân tộc Mông chiếm 16,26% dân số toàn tỉnh (đứng thứ ba ở Sơn La) sinh sống ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh, thường ở các xã vùng núi cao 12 huyện, thành phố.
Dân tộc Mông có các nhóm khác nhau, như: Mông Ðơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Si (Mông Ðỏ), Mông Ðu (Mông Ðen). Tiếng Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao.
Trang phục truyền thống của dân tộc Mông được làm từ vải lanh nhuộm chàm thêu hoa văn hoặc nhuộm sáp ong. Một bộ y phục cổ truyền của phụ nữ gồm có: Váy, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân. Váy may và trang trí công phu, là váy mở xếp nếp xòe rộng.
Phụ nữ dân tộc Mông trắng, trồng lanh, dệt vải lanh, váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau.
Phụ nữ dân tộc Mông hoa, mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu.
Phụ nữ dân tộc Mông đen, mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.
Phụ nữ dân tộc Mông xanh, mặc váy ống. Phụ nữ Mông xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài. Trang trí chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập. Nam giới: Quần áo màu đen, áo cánh ngắn, quần dài, dùng khăn quấn đầu.
Nhà ở truyền thống của người Mông thường là kiểu nhà trệt, nền đất, vách được dựng bằng các tấm gỗ lớn. Nhà thường được làm 3 gian, 2 chái với ưu điểm đông ấm, hè mát. Trong đó, gian giữa bao giờ cũng rộng hơn 2 gian bên cạnh, là gian trung tâm của ngôi nhà, nơi diễn ra các sinh hoạt chung và là nơi tổ chức cúng ma nhà vào các dịp lễ tết hay các nghi lễ liên quan đến chu kì đời người...
Sản xuất của người Mông là làm nương rẫy, trồng ngô, trồng lúa, ở một vài nơi có ruộng bậc thang. Cây lương thực chính là ngô và lúa nương.
Tết cổ truyền của dân tộc Mông thường diễn ra vào tháng 12 dương lịch. Trong ngày Tết, nam nữ thanh niên vui xuân thường thổi khèn, đua ngựa, ném pao, thi đánh quay, bắn nỏ...
Dân tộc Mông có rất nhiều loại nhạc cụ phong phú, có âm thanh. Nếu như khèn là loại nhạc cụ thổi chủ yếu trong các phong tục, tín ngưỡng, thì sáo hay kèn môi lại là những loại nhạc cụ được sử dụng chủ yếu để giao duyên, bày tỏ tình cảm, yêu đương, thương nhớ của các chàng trai, cô gái Mông.
Đến nay, nhiều loại nhạc cụ gắn liền với đời sống của đồng bào vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành những tài sản quý giá trong kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc.