Dân tộc La Ha
Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người ở Sơn La, hiện có dân số khoảng 10.000 người, sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu. Dân tộc La Ha có ngôn ngữ riêng, họ sống cộng cư với người Thái Đen nên trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái Đen để giao tiếp.
Bản của người La Ha thường có 10 nhà, người La Ha ở nhà sàn. Ngôi nhà có hai cửa ra, vào, với bậc thang lên xuống tại hai đầu nhà, một cửa vào chỗ để tiếp khách và một cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt trong gia đình.
Trang phục người La Ha, có màu đen tuyền nền nã, phụ nữ La Ha thường mặc áo cóm có hàng khuy bạc, váy đen, có cạp và thắt lưng màu xanh. Phụ nữ đội khăn piêu, có thêu hoa văn và búi tóc ngược lên đỉnh đầu khi đã lập gia đình giống như phụ nữ Thái. Trang phục của nam giới người La Ha khá đơn giản, gồm áo cánh ngắn, quần lá tọa và khăn đội đầu, tất cả đều được nhuộm chàm.
Các điệu múa đặc trưng của người La Ha, gồm: “tăng bu”, “hưn mạy”, "sừng lừng"... gắn với những quan niệm, tín ngưỡng riêng. Đồng bào La Ha có lễ hội Pang A, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2018. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng 3, hoặc đầu tháng 4 dương lịch hằng năm, là dịp nhân dân trong bản cầu cho mùa màng tươi tốt, con người có sức khỏe, cầu may mắn và bày tỏ lòng cảm tạ thần linh, cùng các thầy lang có công bảo vệ sức khỏe dân bản.