Dân thiếu nước sinh hoạt nhưng 2 công ty không bán được nước
Trong khi người dân tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt thì hai công ty bán nước sạch kêu không bán được nước.
Nhiều ngày qua, hàng loạt hộ gia đình ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phải thức dậy lúc nửa đêm để hứng nước sinh hoạt, số khác thì phải sang nhà hàng xóm tắm nhờ.
Nhiều gia đình phải đi xin nước
Theo ông Nguyễn Ngọc Điểu (ngụ phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột), gần hai tháng qua, nguồn nước máy nơi ông ở rất thất thường, lúc có lúc không.

Theo ông Điểu, gần hai tháng qua đồng hồ nước của ông không tăng thêm số. Ảnh: T.T
Ông Điểu phản ánh: bình quân mỗi tháng nhà ông dùng từ 20 đến 25 m3 nước. Tuy nhiên, từ hồi tháng 3 đến nay, đồng hồ nước của ông vẫn chưa nhảy thêm số nào vì… không có nước.
“Hai tháng qua, đồng hồ nước nhà tôi vẫn dừng lại ở con số 478 m3. Không có nước máy, tôi đành bơm nước giếng dùng dù biết không đảm bảo vệ sinh” - ông Điểu nói.
Cũng theo ông Điểu, không riêng gia đình ông mà nhiều hộ gia đình xung quanh cũng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Thời gian qua, nhiều hộ xách xô sang xin nước giếng của ông về dùng tạm.
Tương tự, ông Trần Dũng Hoàng (ngụ phường Tân Lợi) phản ánh khoảng 10 ngày nay ông phải xin nước giếng của hàng xóm về dùng vì không có nước máy.
“Không hiểu lý do gì 10 ngày qua nước máy nơi tôi ở bị cắt. Hiện tôi phải sang nhà hàng xóm xin nước giếng dùng tạm” - ông Dũng nói.
Còn ông Nguyễn Tuấn Tài (ngụ phường Tân Lợi) cho hay đã mấy tuần rồi lượng nước máy về khu ông ở rất yếu. Đặc biệt, khoảng bốn ngày nay, gia đình ông thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Tháng 3 đến tháng 4-2025, ông Điểu không có nước máy dùng. Ảnh: T.T
“Cứ 1 đến 2 giờ sáng, vợ chồng tôi thức dậy mở nước vào xô, chậu nhưng cũng chỉ đủ để nấu ăn; việc tắm giặt phải nhờ nước giếng hàng xóm. Riêng tôi thường mang theo đồ để tắm ở cơ quan” - ông Tài nói.
Hai công ty nói: bán nước không được
Trong khi nhiều người dân tại TP Buôn Ma Thuột lo lắng, bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt thì hai công ty cấp nước có trụ sở tại đây lại gửi đơn "kêu cứu" vì... không bán được nước!
Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột gửi đơn đề nghi các cơ quan chức năng "giải cứu" nhà máy cấp nước huyện Cư Kuin vì không bán được nước.

Ông Hoàng bất lực vì không có nước máy. Ảnh: T.T
Theo Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột, Nhà máy cấp nước huyện Cư Kuin được đầu tư hơn 320 tỉ đồng nhằm bổ trợ nguồn nước sinh hoạt cho TP Buôn Ma Thuột với công suất 20.000 m3/ngày đêm.
Năm 2018, Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột ký hợp đồng mua bán nước với Công ty TNHH MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk, nay là Công ty CP Cấp nước Đắk Lắk (tên viết tắt là Dakwaco).
Hợp đồng có thời hạn đến năm 2043. Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột phải bán tối thiểu 15.000 m3/ngày đêm cho Dakwaco.
Sau khi ký hợp đồng, Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột đầu tư hệ thống đường ống để cấp nước về TP Buôn Ma Thuột.
Tuy nhiên, từ ngày dự án đi vào hoạt động đến nay, Dakwaco chỉ mua nước tượng trưng, tương đương 3,2% so với hợp đồng ký kết.
Từ ngày 1-1 đến nay, Dakwaco dừng hoàn toàn việc mua nước của Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột.
Trao đổi với PLO, ông Lê Quốc Nam, Giám đốc Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột, nói để duy trì hoạt động công ty ông phải huy động trên 2,5 tỉ đồng mỗi tháng để bù đắp cho các khoản thiếu hụt. Đến nay, Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột không còn khả năng chi trả gốc và lãi vay cho ngân hàng.
"Vì không bán được nước nên tình cảnh của công ty chúng tôi rất khó khăn, có nguy cơ bị ngân hàng thu hồi, phát mãi tài sản" - ông Nam nói.

Vòi nước tại nhà một hộ dân rất yếu, không đủ dùng. Ảnh: N.D
Tương tự, Công ty CP Cấp nước Đạt Lý cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư hồi tháng 9-2017 để xây dựng nhà máy nước sạch công suất 5.000m3/ ngày đêm với mức đầu tư trên 30 tỉ đồng.
Năm 2018, Công ty CP Cấp nước Đạt Lý ký hợp đồng bán nước cho Dakwaco với thời hạn đến năm 2038.
Tuy nhiên, thực tế sản lượng nước Dakwaco mua của Công ty CP Cấp nước Đạt Lý thấp hơn trong hợp đồng, khiến công ty này liên tục phải bù lỗ để duy trì hoạt động.
Ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty CP cấp nước Đạt Lý, nói từ 2019 đến nay, công ty của ông nhiều lần phải ngừng hoạt động vì tiền bán nước không đủ để bù lỗ.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay mọi việc chưa được giải quyền thỏa đáng. Chúng tôi đầu tư theo chủ trương của tỉnh nhưng đến nay đang đứng bên bờ vực phá sản” - ông Dậu nói.

Nhà máy nước của Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.T
Cũng theo ông Dậu, qua những lần trao đổi, phía Dakwaco cho rằng họ đã có nguồn cung nước từ nhà máy khác nên không tiếp tục mua của công ty ông. Đồng thời, Dakwaco có thay đổi về lãnh đạo, cổ đông. Hiện, chủ tịch HĐQT của Dakwaco Đắk Lắk là người mới nên không chấp nhận xử lý những vẫn đề trước đây.
PV trực tiếp đến trụ sở của Dakwaco đăng ký làm việc để tìm hiểu thêm sự việc nhưng không có kết quả. Khi PV nêu vấn đề để trao đổi qua điện thoại, ông Đỗ Hoàng Phúc, Chủ tịch HĐQT Dakwaco, từ chối trả lời với lý do đang bận.
Sẽ tính lại giá nước
Tháng 3-2023, UBND tỉnh Đắk Lắk quy định giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trong cơ cấu giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột của Dakwaco đã bao gồm giá mua nước sạch của Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột và Công ty CP Cấp nước Đạt Lý.
Dù được tăng giá bán nhưng Dakwaco không thực hiện mua nước đúng theo hợp đồng với Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột và Công ty CP Cấp nước Đạt Lý.
Đến tháng 5-2023, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản cho rằng việc Dakwaco không mua nước của hai công ty trên là chưa đảm bảo đúng các quy định của luật giá và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Dakwaco nghiêm túc thực hiện việc mua nước với sản lượng, giá cả theo đúng nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước.
Sau khi tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, Dakwaco đã mua nước của hai công ty liên quan nhưng chỉ mua cầm chừng, giảm dần rồi dừng mua hẳn.
Ngày 25-3, Sở Tài chính Đắk Lắk có văn bản cho rằng việc Dakwaco không mua nước thương mại của Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột, Công ty CP cấp nước Đạt Lý và không thực hiện mua nước thô, nhưng Dakwaco vẫn tính phí mua nước thương mại trong cơ cấu giá bán.
Sở Tài chính Đắk Lắk cho biết sẽ phối hợp Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định điều chỉnh giá bán nước sạch sinh hoạt của Dakwaco.