'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.

Các cặp vợ chồng, cá nhân tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân. Đồng thời, các cặp vợ chồng, cá nhân cần bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi, dạy con tốt; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số - văn bản pháp luật hiện hành quan trọng nhất về dân số quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". Việc trao quyền quyết định số lượng con cho các ông bố, bà mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp, gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ) nhưng mức sinh thay thế giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Xu thế đẻ ít, lười đẻ, chậm kết hôn, chỉ sinh 1 con đang có xu hướng lan rộng.

Nếu hàng trăm, hàng chục năm trước, nhân loại đối diện nỗi lo về tình trạng "nhân mãn" ở nhiều quốc gia, thì nay ngược lại, tỉ lệ sinh quá thấp khiến nhiều nước đối diện nỗi lo dân số giảm, nguồn nhân lực giảm. Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia điển hình. Số ca sinh tại Nhật Bản năm 2023 giảm 5,1% so với năm 2022, xuống còn 758.631 trẻ, trong khi số cặp đôi kết hôn năm 2023 lần đầu tiên giảm xuống dưới 500.000 cặp sau 90 năm. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số Nhật Bản, dân số nước này có thể giảm 30%, còn 87 triệu người, vào năm 2070. Còn ở Hàn Quốc, với tỉ lệ sinh đạt mức thấp kỷ lục 0,78 vào năm 2022 và có nguy cơ thấp hơn nữa trong năm 2023. Trước tình trạng này, Chính phủ hai nước trên đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, ưu đãi các cặp vợ chồng mang thai, sinh con nhằm khuyến khích sinh sản.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ "dân số vàng" nhưng nếu mức sinh thấp, tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội.

Thiết kế dự án Luật Dân số như trên là phù hợp thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời hội nhập toàn cầu. Trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt là chủ trương đúng đắn và tiến bộ, bởi gia đình là nền tảng của xã hội. Cần thiết kế những chính sách khuyến sinh, hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con, như hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục, miễn giảm học phí, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản…

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dan-so-vang-va-nhan-luc-tre-post284886.html
Zalo