Dàn lãnh đạo Vinafood II lãnh án vì chuyển giao 'đất vàng' ở quận 4, gây thiệt hại trăm tỷ

Bằng nhiều thủ đoạn, Vinafood II đã chuyển nhượng khu đất 132 Bến Vân Đồn cho công ty sân sau, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng của Nhà nước.

Quy trình chuyển "đất vàng" sang công ty "sân sau" của các cựu lãnh đạo Vinafood II

Sau 2 ngày xét xử và nghị án, hôm nay (13/5), TAND Tp.HCM đã tuyên án đối với 6 bị cáo là các cựu lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

2 trong số nhiều bị cáo là cựu lãnh đạo Vinafood II được xác định có sai phạm, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

2 trong số nhiều bị cáo là cựu lãnh đạo Vinafood II được xác định có sai phạm, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

Theo HĐXX, căn cứ vào toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định, Vinafood II là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và được giao quản lý, sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, Tp.HCM (diện tích hơn 7.890 m2).

Thực hiện Quyết định số 80 ngày 24/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu của UBND Tp.HCM, Vinafood II báo cáo UBND Tp.HCM và Bộ Tài chính chấp thuận cho Vinafood II chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn.

Đồng thời, Vinafood sẽ làm chủ đầu tư Dự án xây dựng chung cư cao tầng kết hợp Trung tâm thương mại - dịch vụ và cao ốc văn phòng cho thuê.

Quá trình thực hiện, khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thành viên HĐQT Vinafood II (thời điểm 2007), gồm: Trương Thanh Phong (SN 1953, cựu ủy viên Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Vinafood II); Trần Văn Vẹn (SN 1949, cựu Chủ tịch Vinafood II); Vũ Bá Vinh (SN 1959, cựu ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Trưởng ban kiểm soát Vinafood II); Trương Văn Húa (SN 1955) đã thống nhất góp vốn bằng quyền sử dụng đất, để cùng các công ty Sài Gòn kho vận, Công ty Hoàn Mỹ, Công ty BĐS Nguyễn Kim và Công ty Thái Sơn thống nhất thành lập Công ty Vĩnh Hội để khai thác mặt bằng 132 Bến Vân Đồn.

Năm 2010, khi Vinafood II được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 132 Bến Vân Đồn đã không hạch toán tài sản, không lập hồ sơ tài sản cố định.

Ngày 16/7/2010, bị cáo Trần Bảy (SN 1960, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Vinafood II, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vĩnh Hội) là người đại diện vốn Vinafood II tại Công ty Vĩnh Hội đã ký tờ trình đề xuất Trương Thanh Phong ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa Vinafood II và Công ty Vĩnh Hội nhằm hợp thức hóa pháp nhân chủ đầu tư là Công ty Vĩnh Hội.

Sau đó, Trương Thanh Phong ký tờ trình đề xuất HĐQT Vinafood II chấp nhận việc chuyển quyền sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn cho Công ty Vĩnh Hội và được tất cả thành viên trong HĐQT Vinafood II đồng ý.

Ngày 11/3/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM xác nhận biến động, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất 132 Bến Vân Đồn cho Công ty Vĩnh Hội.

Khu đất này được hợp thức dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất ngày 27/1/2011 với Công ty Vĩnh Hội theo giá tự thỏa thuận bằng với giá Vinafood II nộp vào ngân sách Nhà nước năm 2007 và 2009.

Hành vi của các bị cáo đã không thẩm định, đánh giá lại tài sản là trái quy định về ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Tại thời điểm ký và thực hiện hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Vinafood II nắm giữ 1,5 triệu cổ phần tại Công ty Vĩnh Hội, sau đó đã thực hiện thoái vốn bán đi 1,5 triệu cổ phần thu lại 45 tỷ đồng, hoàn tất quá trình chuyển tài sản Nhà nước là khu đất 132 Bến Vân Đồn cho tư nhân.

Cáo trạng xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2015, Công ty Nguyễn Kim đã mua 99,32% vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hội và sau đó bán cho Công ty đầu tư Phú Mỹ Hưng. Tiếp đến, Công ty Phú Mỹ Hưng xây dựng dự án thương mại trên khu đất 132 Bến Vân Đồn và đã bán hết cho khách.

Hành vi của bị cáo Trương Thanh Phong và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 113 tỷ đồng. Số tiền thiệt hại được xác định là tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường (định giá tại thời điểm 27/1/2011 là 241 tỷ đồng, trừ đi giá trị Vinafood II tự ấn định góp vốn 127 tỷ đồng). Sau khi trừ phần giá trị thu hồi từ việc bán cổ phần, nhà nước bị thiệt hại thực tế hơn 68 tỷ đồng.

Buộc Công ty Nguyễn Kim phải bồi thường 68 tỷ đồng

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân nên cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, quá trình lượng hình, HĐXX xem xét nhiều tình tiết làm căn cứ giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

Trong đó, bị cáo Trần Văn Vẹn đang bị bệnh rất nặng, các bị cáo đều là người lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên). Bị cáo Trần Văn Vẹn đã 76 tuổi, vai trò có phần hạn chế; bị cáo Trương Văn Ảnh là con liệt sĩ, đang có nhiều bệnh nên xét không cần cách ly ra khỏi đời sống xã hội.

Từ các nhận định nêu trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Thanh Phong 4 năm 6 tháng tù; Trần Văn Vẹn 3 năm tù cho hưởng án treo; Vũ Bá Vinh, Trương Văn Húa bị tuyên phạt cùng mức án 2 năm 6 tháng tù và Trương Văn Ảnh (cựu Ủy viên HĐQT), Trần Bảy (cựu Trưởng phòng kế hoạch chiến lược) cùng lãnh 3 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo tòa, các bị cáo là người đã gây thiệt hại cho Nhà nước. Tuy nhiên, không buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại vì pháp luật xem xét đặc điểm vụ án này là có người thu lợi bất chính từ hành vi của các bị cáo. Đối với số tiền các bị cáo đã nộp nhằm khắc phục hậu quả vụ án, HĐXX tuyên sung ngân sách Nhà nước.

Đối với Công ty Nguyễn Kim, HĐXX cho rằng, Công ty Nguyễn Kim là người nắm lợi thế trong Công ty Vĩnh Hội (chiếm 75% cổ phần). Năm 2017 Công ty Nguyễn Kim thoái toàn bộ vốn tại Công ty Vĩnh Hội, bán toàn bộ cổ phần cho Công ty Phú Mỹ Hưng thu được số tiền rất lớn, trong đó có số tiền được hưởng lợi.

Từ đó, tòa buộc Công ty Nguyễn Kim nộp hơn 68 tỷ đồng cho người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinafood II.

Đối với Công ty Phú Mỹ Hưng, tòa xác định đơn vị này nhận chuyển nhượng ngay tình, được cấp phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đã chuyển nhượng cho người mua hợp pháp, không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo. Từ đó, HĐXX kiến nghị hủy bỏ ngăn chặn giao dịch nhà đất đối với dự án nêu trên của Công ty Phú Mỹ Hưng.

Võ Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dan-lanh-dao-vinafood-ii-lanh-an-vi-chuyen-giao-dat-vang-o-quan-4-gay-thiet-hai-tram-ty-204250513195207904.htm
Zalo