Đắm say hương sắc B'Lao
Cao nguyên B'Lao xưa nay là thành phố trẻ Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng được thiên nhiên ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây chè và ngành tằm tang. Hương trời, nhụy đất kết tinh, làm nên thương hiệu 'Trà B'Lao' và 'Tơ lụa Bảo Lộc'.
Tối 14/12, tại thành phố Bảo Lộc diễn ra chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - thành phố hương trà, sắc tơ”. Đây là một trong những chương trình chính chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bảo Lộc Ngô Văn Ninh cho biết, đã từ lâu, Bảo Lộc được xem là “thủ phủ” của trà và ngành dâu tằm tơ Việt Nam; nơi được thiên nhiên ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng, cùng với sự cần cù, lao động sáng tạo của người dân đến từ nhiều vùng, miền của cả nước cùng công sức của các thế hệ lãnh đạo thành phố đã hình thành, vun đắp, phát triển thương hiệu trà, tơ lụa Bảo Lộc ngày nay.
Chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - thành phố hương trà, sắc tơ” năm nay vừa là sự nối tiếp, khẳng định và tôn vinh người trồng, chế biến trà, ươm tơ, dệt lụa, ươm trồng hoa lan; vừa khẳng định thương hiệu, tiếng vang ở trong nước và quốc tế, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao cho vùng đất và con người Bảo Lộc trong suốt chặng đường 30 năm hình thành và phát triển đô thị Bảo Lộc (1994-2024); vừa thể hiện khát vọng, thành phố Bảo Lộc quyết tâm phấn đấu vươn lên cùng cả tỉnh, vươn lên bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mở đầu chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc - thành phố hương trà, sắc tơ” là “ngày hội cao nguyên” với hoạt cảnh múa, hát “Ngày hội cao nguyên - Bảo lộc của tôi”, như lời mời gọi về với xứ hương sắc B’Lao, thể hiện bản sắc văn hóa dân gian sâu đậm của vùng đất và con người Bảo Lộc, khát vọng vươn lên của người dân trên thành phố cao nguyên.
Chương trình “Vẻ đẹp bất tận” kể câu chuyện từ một vùng đất hoang sơ được khai mở vào những năm 90 của thế kỷ 19, trải qua hơn 130 năm hình thành và phát triển, trong đó tròn 30 năm trở thành đô thị, B’Lao - Bảo Lộc đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành thành phố trẻ năng động, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, sự dung dị, bình yên, thơ mộng vốn thuộc về.
Với hoạt cảnh “Âm vang núi – chiều đại ngàn”, thể hiện cuộc sống của người dân phố núi B’Lao luôn vui vẻ, hiền lành, chất phác và tràn đầy năng lượng.
Đến Bảo Lộc, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp dịu dàng của phố núi giữa không gian bạt ngàn màu xanh, cùng hương trà dịu nhẹ thoảng đưa trong gió.
Du khách được thả hồn, rảo bước trên những con đường quanh co uốn lượn, đến với những đồi chè xanh trải dài tít tắp, nối tiếp nhau trên khắp các lưng đồi, ngắm những búp chè non e ấp vươn mình đón ánh nắng mai, những luống chè xanh như mái tóc sơn nữ rẽ ngôi.
Bảo Lộc như bức tranh thủy mặc với nét vẽ đầy tinh tế về những đồi chè, nương dâu và càng say đắm lòng người bởi sự hiện diện của loài hoa vương giả - phong lan.
Giữa cao nguyên xanh mát, những nhành lan bung nở như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ của thiên nhiên.
Mỗi nhành lan Bảo Lộc không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là món quà quý của đất trời đã ưu ái dành tặng cho những người yêu hoa trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Chương “Ấn tượng B’Lao”, kể câu chuyện về những nương dâu xanh mướt, những sợi tơ tằm vàng óng đã dệt nên những tấm lụa Bảo Lộc mượt mà.
Nương dâu, con tằm và những đường tơ nuột nà, óng ả không chỉ làm thắm thêm tổng thể bức họa phố núi cao nguyên, mà còn tạo nguồn cảm hứng thi ca cho bao nghệ sĩ “phải lòng” với vùng đất và con người Bảo Lộc.
Bảo Lộc như nàng thơ ẩn mình giữa Tây Nguyên đại ngàn, nhẹ nhàng, quyến rũ; bình lặng mà trữ tình.
Những con phố nhỏ yên bình, những buôn làng truyền thống với những vũ điệu đắm say trong tiếng cồng, tiếng chiêng và men rượu cần chếnh choáng... Tất cả tạo nên bức tranh đa sắc màu của nền văn hóa Việt.
Trong dòng chảy của sự phát triển, Bảo Lộc không ngừng nỗ lực vươn lên. Những công trình hạ tầng hiện đại, những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, những dịch vụ du lịch dần trở nên chuyên nghiệp... đang ngày càng khẳng định vị thế trên vùng đất nam Tây Nguyên.
Hiện, thương hiệu “Trà B’Lao” được cấp cho hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến trà tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm sử dụng. Toàn thành phố có khoảng 160 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh trà.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tơ lụa, chủ yếu tại Bảo Lộc; hằng năm sản xuất hơn 2.000 tấn tơ, khoảng 6 triệu mét lụa.
Các lễ hội văn hóa, nghệ thuật tôn vinh ngành trà, tơ lụa Bảo Lộc được tổ chức lần đầu vào năm 2006 và từ năm 2017 đến nay, trở thành một trong những hoạt động chính của Festival Hoa Đà Lạt, với chu kỳ tổ chức 2 năm 1 lần.
Bảo Lộc đủ để nhiều người thấy an yên khi chọn làm đất sống, đủ những mới mẻ để tìm hiểu, để khám phá và trải nghiệm.