Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đạt tiến triển lớn

Đó là bình luận đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau một ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa các quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu phái đoàn đàm phán với Trung Quốc. Ảnh: Swiss Info

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu phái đoàn đàm phán với Trung Quốc. Ảnh: Swiss Info

Ngày 11-5, viết trên trang truyền thông xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Nhiều vấn đề đã được thảo luận, nhiều điều đã được nhất trí. Việc tái thiết lập hoàn toàn được đàm phán một cách thiện chí, mang tính xây dựng. Vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, điều chúng tôi muốn chứng kiến, một sự mở cửa của Trung Quốc đối với doanh nghiệp Mỹ, đã đạt được bước tiến triển lớn".

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã gọi các cuộc đàm phán ở Thụy Sĩ là "một bước quan trọng hướng tới giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, một giải pháp cuối cùng đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm chiến lược đủ lớn, cũng như sự ủng hộ chính đáng của cộng đồng quốc tế”.

Tân Hoa xã nhấn mạnh: "Cho dù con đường phía trước liên quan đến đàm phán hay đối đầu, có một điều rõ ràng rằng: Quyết tâm bảo vệ lợi ích phát triển của Trung Quốc là không thể lay chuyển và lập trường của nước này về việc duy trì trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ không thay đổi".

Nhiều nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục vào ngày 11-5 theo giờ địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định, hai bên ít có triển vọng đạt được bước đột phá lớn. Khả năng hai nước sẽ giảm các loại thuế khổng lồ đang áp đặt đối với hàng hóa của nhau. Đây là một động thái giúp giảm tiêu cực đối với thị trường tài chính thế giới và các công ty ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương phụ thuộc vào thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Mỹ đã áp mức thuế tối thiểu 145% đối với hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm quý đầu tiên kể từ đầu năm 2022, khi các nhà nhập khẩu chạy đua để đưa hàng hóa vào trước khi mức thuế trừng phạt có hiệu lực.

Tác động của mức thuế quan cao ngất ngưởng cũng đang được cảm nhận rõ ràng ở Trung Quốc, khi xuất khẩu sang Mỹ đã giảm mạnh vào tháng 4. Các chuyến hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ đạt 33 tỷ USD vào tháng trước, giảm tới 21% so với mức 41,8 tỷ USD được ghi nhận vào tháng 4-2024.

Thuế quan cao cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất của Trung Quốc. Hoạt động của các nhà máy vào tháng 4 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 16 tháng, khiến Bắc Kinh phải gấp rút đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Theo các chuyên gia kinh tế, mức thuế 50% là ngưỡng tối thiểu để khôi phục hoạt động kinh doanh bình thường giữa hai nước.

Theo Liên đoàn Bán lẻ quốc gia, lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ trong nửa cuối năm 2025 dự kiến sẽ giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm về phía Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ngân hàng đầu tư JPMorgan dự kiến, lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ giảm từ 75% đến 80%.

Theo Sky News, Tân Hoa xã

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-quoc-dat-tien-trien-lon-701885.html
Zalo