Đàm phán Mỹ - Iran đạt tiến triển

Hai bên vẫn chưa bàn đến các chi tiết cụ thể liên quan chương trình hạt nhân của Iran và đây mới là nội dung thật sự phức tạp

Mỹ và Iran đồng ý tiếp tục đàm phán hạt nhân vào ngày 26-4 sau khi có những đánh giá tích cực về tiến trình này.

Trước đó, vòng đàm phán thứ hai đã diễn ra trong 4 giờ tại Đại sứ quán Oman ở TP Rome - Ý hôm 19-4. Dẫn đầu hai phái đoàn là Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi và đặc phái viên Trung Đông của Mỹ, ông Steve Witkoff. Giới chức Iran cho biết hai phái đoàn ở những phòng riêng biệt trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr al-Busaidi làm trung gian, trao đổi thông điệp qua lại giữa họ.

Theo AP, một quan chức Mỹ tiết lộ hai bên đã đạt được nhiều tiến triển, có thời điểm hai ông Witkoff và Araghchi còn nói chuyện trực tiếp. Trong khi đó, truyền thông Iran dẫn lời Bộ trưởng Araghchi nhận xét cuộc đàm phán đã diễn ra trong "bầu không khí mang tính xây dựng và đang có tiến triển".

Trước khi vòng đàm phán tiếp theo được nối lại tại Oman, ông Araghchi cho biết các cuộc họp cấp chuyên gia sẽ bắt đầu vào ngày 24-4 để bàn chi tiết một thỏa thuận tiềm tàng. Theo Bộ Ngoại giao Oman, các bên đã đồng ý tiếp tục đối thoại nhằm tìm kiếm một thỏa thuận bảo đảm rằng Iran sẽ "hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân và bị trừng phạt, đồng thời vẫn duy trì khả năng phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình".

Phái đoàn Iran rời Đại sứ quán Oman ở thủ đô Rome - Ý sau cuộc đàm phán với phái đoàn Mỹ hôm 19-4. Ảnh: AP

Phái đoàn Iran rời Đại sứ quán Oman ở thủ đô Rome - Ý sau cuộc đàm phán với phái đoàn Mỹ hôm 19-4. Ảnh: AP

Cuộc đàm phán đạt kết quả tích cực trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy một thỏa thuận nhanh chóng với Iran. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump vào năm 2018 đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc.

Sau khi trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1-2025, ông Donald Trump đã khôi phục chiến dịch trừng phạt nhằm "gây áp lực tối đa" lên Tehran. Tuy nhiên, vào tháng 3, Tổng thống Mỹ đã gửi thư đến nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, trong đó kêu gọi nối lại đàm phán và cảnh báo về hậu quả quân sự nếu con đường ngoại giao thất bại.

Trước cuộc đàm phán với Iran ở Rome, ông Witkoff đã gặp ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc này nhiều khả năng đóng vai trò then chốt trong việc xác minh sự tuân thủ của Iran nếu đạt được thỏa thuận. Đây là điều IAEA từng làm với thỏa thuận mà Iran đã ký với các cường quốc hồi năm 2015, theo đó giới hạn mạnh mẽ việc Tehran làm giàu uranium để đổi lấy chuyện dỡ bỏ trừng phạt kinh tế.

Theo đài Al Jazeera, tâm điểm tranh cãi lúc này vẫn là liệu Iran có được duy trì một chương trình hạt nhân dân sự hay phải hoàn toàn dỡ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Một số chuyên gia cho rằng tiến trình đàm phán cho đến giờ mới tập trung vào khuôn khổ cho các cuộc thảo luận và những gì hai bên muốn đạt được. Mỹ và Iran vẫn chưa bàn đến các chi tiết cụ thể liên quan chương trình hạt nhân và đây mới là nội dung thật sự phức tạp.

Trước thềm vòng đàm phán thứ 2, Iran đã phản ứng với phát biểu của ông Witkoff, người ban đầu cho rằng Tehran có thể làm giàu uranium ở mức 3,67% nhưng sau đó tuyên bố toàn bộ hoạt động làm giàu uranium phải chấm dứt. Ông Ali Shamkhani, cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Iran, khẳng định Tehran sẽ không chấp nhận từ bỏ chương trình làm giàu uranium hoặc sử dụng uranium làm giàu ở nước ngoài cho chương trình hạt nhân của mình. Theo ông Shamkhani, Iran muốn tìm kiếm một thỏa thuận cân bằng.

Các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, từ lâu đã cáo buộc Iran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Tehran đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn phục vụ mục đích dân sự và hòa bình.

Tiến trình đàm phán Iran - Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Đông thêm căng thẳng sau các cuộc không kích mới nhất của Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen.

Đài Al Masirah có liên hệ với Houthi đưa tin Mỹ đã thực hiện 13 cuộc không kích nhằm vào cảng và sân bay của TP Hodeidah hôm 19-4. Ngoài ra, ít nhất 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương do một cuộc không kích của lực lượng Mỹ nhằm vào thủ đô Sanaa.

Đợt tấn công trên xảy ra 2 ngày sau khi quân đội Mỹ không kích cảng Ras Isa, cũng ở Hodeidah, khiến ít nhất 80 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Quân đội Mỹ cho biết động thái quân sự này nhằm cắt đứt nguồn tiếp tế và tài chính của Houthi. Theo đài Al Jazeera, đây là cuộc tấn công gây nhiều thương vong nhất trong chiến dịch kéo dài 15 tháng của Mỹ nhằm vào lực lượng được Iran hậu thuẫn này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 19-4 bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa trong khu vực và kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế tối đa." Ông Guterres cũng kêu gọi Houthi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái đang diễn ra nhằm vào cả Israel lẫn các tàu thuyền ở biển Đỏ.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dam-phan-my-iran-dat-tien-trien-196250420221343244.htm
Zalo