Đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran vòng 4: Khó khăn nhưng hữu ích, Tehan quyết cự tuyệt một điều, liệu còn cơ hội cho vòng sau?
Ngày 1/5, tại thủ đô Muscat của Oman đã diễn ra vòng đàm phán thứ 4 về chương trình hạt nhân Iran giữa nước Cộng hòa Hồi giáo và Mỹ.

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran vòng 4 dù diễn ra với những thiện chí đối thoại từ hai bên nhưng vẫn còn những bất đồng sâu sắc. (Nguồn: JNS)
Theo hãng tin AP, cuộc đàm phán, kéo dài 3 giờ, diễn ra chỉ vài ngày trước chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Donald Trump.
Tâm điểm của cuộc đàm phán xoay quanh việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt kinh tế. Mặc dù hai bên bày tỏ thiện chí đối thoại, nhưng những bất đồng sâu sắc vẫn tồn tại.
Iran khẳng định quyền làm giàu uranium là "lằn ranh đỏ" và giữ lại kho dự trữ uranium đã được làm giàu là không thể thương lượng, nhưng sẵn sàng hạn chế một số khía cạnh trong chương trình hạt nhân của mình, nếu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tuyên bố cứng rắn rằng, Tehran phải từ bỏ hoàn toàn chương trình làm giàu uranium và tháo dỡ các cơ sở hạt nhân chủ chốt như Natanz và Fordow.
Iran cũng từ chối đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo và yêu cầu bảo đảm vững chắc rằng Mỹ sẽ không rút khỏi bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai.
Mặc dù có những dấu hiệu tích cực, như việc Iran đề xuất một kế hoạch ba bước để đạt được thỏa thuận, cùng những bất đồng cốt lõi về quyền làm giàu uranium và phạm vi các cuộc đàm phán vẫn là rào cản lớn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei mô tả cuộc đàm phán là "khó khăn nhưng hữu ích". Ông cho biết: “Vòng đàm phán... giúp hai bên hiểu rõ hơn quan điểm của nhau và tìm kiếm những phương án hợp lý, thực tế để thu hẹp khác biệt”.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, đàm phán diễn ra cả trực tiếp lẫn gián tiếp và hai bên đã đạt được thỏa thuận để tiếp tục thảo luận về các vấn đề kỹ thuật trong tương lai gần.
Sau cuộc đàm phán, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tái khẳng định: "Iran không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Mỹ nói với chúng tôi rằng họ muốn chắc chắn chúng tôi không muốn có vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng cho điều này".
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nhấn mạnh: "Nhưng yêu cầu chúng tôi từ bỏ nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình hạt nhân hòa bình để họ bắt đầu đàm phán với chúng tôi là hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Một số quan chức cấp cao của Mỹ xác nhận, hai bên đã đạt được thỏa thuận để tiếp tục đàm phán, nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật còn tồn đọng.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump cảnh báo triển khai các hành động quân sự nếu không đạt được thỏa thuận mới với Iran về chương trình hạt nhân của nước này.
Phía Iran cũng cảnh báo có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân với kho uranium đã được làm giàu gần đến mức độ vũ khí hóa. Israel, đồng minh trung thành của Mỹ ở Trung Đông, cũng đe dọa sẽ đơn phương tấn công Iran nếu cảm thấy bị đe dọa.