Dám nghĩ, dám làm... nhìn từ quyết định Nam Bộ kháng chiến
Những người đau đáu vì dân, vì nước sẽ luôn dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... vì lợi ích chung.
Nhà thơ Hưởng Triều (tức Trần Bạch Đằng) trong Bài ca khởi nghĩa đã viết về sự kiện Nam Bộ kháng chiến:
“Từ thuở chào đời suốt mấy trăm năm/ Chỉ được tự do có hai mươi chín ngày ngắn ngủi/ Chưa thỏa niềm vui/ Giặc đã đến rồi/ Súng lại cầm tay/ Đạn nói thay lời...”.
Ngày 23-9-1945, sau nhiều thương thuyết bất thành, bàn đàm phán đã không cứu vãn nổi nền hòa bình non trẻ, nhân dân Sài Gòn, Gia Định đã quyết định để súng đạn làm nhiệm vụ của nó khi quyết định “đạn nói thay lời” vì “không chịu nhục”, “vì danh dự của dân tộc”.
Nhà cách mạng Trần Văn Giàu và tuyên cáo lịch sử
Hiện nay khi đọc lịch sử, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều nhớ sự kiện sáng 23-9-1945, tại nhà 629 Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM) có một cuộc họp quan trọng để bàn và quyết định với tuyên bố nổi tiếng sau đó: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Thế nhưng có thể không nhiều người biết được rằng để ra được quyết định quan trọng ấy là một cuộc họp đầy căng thẳng với những tranh luận trái chiều, nảy lửa. Trong cuộc họp, đại diện của Trung ương Đảng khi ấy chủ trương: “Tích cực chuẩn bị, chờ lệnh của Trung ương”, còn ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quyết định “phải đánh trả ngay”.
Kể lại sự kiện này cho ông Trần Hữu Phước (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam) tại nhà riêng, ông Trần Văn Giàu cho biết hai bên cãi nhau từ 6 giờ đến 7 giờ mới có lời kêu gọi của ông Trần Văn Giàu: “Đồng bào Nam Bộ! Nhân dân TP Sài Gòn!... Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Tất cả đồng bào, già trẻ, trai gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược! Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Cùng chiều hôm ấy, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ ra tuyên cáo: “Sáng hôm 23-9, quân Pháp công nhiên chiếm trụ sở Ủy ban hành chính Nam Bộ và quốc gia tự vệ cuộc. Chúng đã gây đổ máu ở đường phố Sài Gòn... Không lẽ chịu nhục hoài; vì danh dự của dân tộc, chúng ta coi trọng quyền lợi của quốc gia nên chúng tôi phải đánh điện ra Trung ương xin phép cho kháng chiến...”.
Dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Ông Trần Văn Giàu cũng cho biết bốn ngày sau, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện vào miền Nam tán thành chủ trương của ông trong cuộc họp ở đường Cây Mai.
Thế nhưng, ông Trần Văn Giàu cũng lận đận từ tuyên cáo đó. Khi hồi tưởng lại những ngày sục sôi ấy, ông cho biết khi Lời kêu gọi kháng chiến của ông phát đi thì cũng chính là lúc ông lận đận.
Ông cũng đã dẫn câu nói của người xưa rằng “tướng ngoài mặt trận có thể không nghe lệnh vua”. Ông tự nhận mình là “tướng giữ biên cương. Khi kẻ địch xâm phạm vào biên cương thì tướng ở biên cương phải quyết định, không chờ lệnh vua. Quyết định nhưng phải báo cáo với vua. Nếu vua đồng ý thì khen. Còn nếu làm trái với lệnh vua thì phải xử trảm” và kết luận ông “không phải là người buông giáo”.
Lịch sử đã đủ dài để hậu thế bình công, luận tội. Rõ ràng trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” ấy, gạt qua một bên an nguy của chính bản thân mình, người chịu trách nhiệm cao nhất ở Nam Bộ khi ấy đã quyết định “cãi” lịnh (lệnh) Trung ương vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ấy của vị “nhạc trưởng” ở Nam Bộ Trần Văn Giàu năm ấy khắc họa thật rõ nét tính cách của người Nam Bộ.
Trong hành trình thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam, những con người đi mở cõi đã mang trong mình cái ngang tàng, khí khái, cái quyết đoán, mạnh mẽ với tinh thần bất khuất trước cường quyền và bạo ngược. Tính cách ấy đã gặp vùng đất rộng mở, bao la nên đã hình thành nên nét tính cách người Sài Gòn, người Nam Bộ: Yêu nước, kiên cường chống ngoại xâm; linh hoạt, năng động sáng tạo, đi đầu, dễ chấp nhận cái mới, dám chấp nhận thử thách; nhân ái, nghĩa tình, phóng khoáng, hiếu khách, hào sảng; dung hợp, hài hòa - không định kiến; thực tế, thẳng thắn, bộc trực… Có lẽ vì vậy mà rất nhiều các phong trào nổi tiếng ở đất nước đều ra đời từ vùng đất Sài Gòn - Gia Định: xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hiến máu nhân đạo, bảo trợ bệnh nhân nghèo, thanh niên tình nguyện đến… đổi mới đất nước.
Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, từ câu chuyện “cãi nhau” đi đến quyết định trong cuộc họp lịch sử ngày 23-9-1945 lại gợi lên nhiều suy nghĩ. Nếu chỉ nghĩ vì an toàn cho bản thân, ông Trần Văn Giàu chỉ cần tuyên bố chấp hành sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp trên. Nếu vậy, bản thân ông sẽ an toàn, đời chính trị của ông chắc chắn sẽ “thuận buồm xuôi gió” song còn đất nước thì sao? Nhân dân thì sao?
Khuyến khích người dám nghĩ, dám làm...
Người xưa đã từng đúc kết “gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Bão lớn nổi lên những cây đi đầu bao giờ cũng là những cây có thể gãy đổ đầu tiên chứ các bụi cỏ lúp xúp chắc chắn không hề hấn gì.
Cũng vậy, trong một cuộc chiến đấu, những người lính đi đầu sẽ là những người có khả năng rủi ro cao khi hứng chịu làn tên mũi đạn. Thế nhưng một khu rừng liệu có còn được gọi là rừng khi không có những cây cổ thụ, một đội quân có thể chiến thắng quân thù không khi trong đội ngũ toàn những kẻ nhát gan?
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra nội dung là khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung song xem ra từ nghị quyết đến cuộc sống là cả một chặng đường dài.
Sẽ không thể có cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung khi mà còn đó các cuộc họp chỉ đều có điệp khúc: Nhất trí cao, khi mà cả cuộc họp hầu như không có lấy một ý kiến phản biện gay gắt nào…
Gần đây, có những ý kiến còn cho rằng Đảng và Nhà nước cần cụ thể hóa Kết luận 14 thành các nội dung cụ thể cái nào được xem là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... Đã cụ thể hóa thì nó đâu còn là “sáng tạo” nữa mà sẽ trở thành phổ quát, khi đó lại là thực hiện theo quy định chung.
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm chắc chắn phải là những nội dung không nằm ở một quy định nào cả, nó chỉ được bật ra, được quyết định trong một thời khắc đặc biệt nào đó từ những con người nhạy bén, mẫn cảm, trách nhiệm và quyết đoán vì lợi ích chung…
Sài Gòn - Gia Định nay là TP.HCM là một vùng đất có bề dày và chiều sâu văn hóa với biết bao những câu chuyện sống động về những con người anh hùng, quả cảm, dám dấn thân mà quyết định “Cuộc kháng chiến bắt đầu!” của ngày 23-9-1945 là một trong số đó.
Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến nhắc nhở mỗi chúng ta: Hãy phấn đấu xứng đáng với các bậc ông cha!
Cần tăng phản biện, “cãi” trong từng cuộc họp
Gần đây, những người còn đau đáu với vận mệnh của đất nước, số phận của dân tộc đã không khỏi trăn trở suy tư rất nhiều, trong đó có việc là các cuộc họp bàn đã dần vắng những lời phản biện, những cuộc “cãi” nảy lửa vì cái chung.
Không biết từ bao giờ đã xuất hiện hiện tượng phổ biến là cấp dưới luôn luôn tuân phục và kính sợ cấp trên đến mức… cấm cãi. Đa phần các cuộc họp thường là “cơ bản nhất trí với dự thảo”, còn dự thảo như thế nào nhiều khi cũng có thể chưa ngó tới.
Đọc một số báo cáo thì thấy những con số mới đẹp làm sao với những từ ngữ chung chung đến mức sáo mòn. Chẳng hạn để nêu ra những tồn tại, hạn chế nào đó thì thường là “có nơi, có chỗ”, “lúc này, lúc kia” vẫn còn “những tồn tại và hạn chế nhất định”. Không biết “có nơi, có chỗ” là chỗ nào, nơi nào; “lúc này, lúc kia” là lúc nào? Hạn chế “nhất định” là hạn chế ra sao?
Nên tăng phản biện, tranh luận vì cái chung.