Dám nghĩ, dám làm, mạnh mẽ sáng tạo
Bản chất cách mạng là khoa học, là sáng tạo nên những giá trị mới, những kiến trúc xã hội chưa từng có. Bởi vậy, phải tìm kiếm, phải thể nghiệm, và cũng phải sẵn sàng đối diện với sai lầm, vấp váp khó tránh. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: 'Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày'.
“Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”
(Nguyễn Ái Quốc - "Đường Kách mệnh").
Bản chất cách mạng là khoa học, là sáng tạo nên những giá trị mới, những kiến trúc xã hội chưa từng có. Bởi vậy, phải tìm kiếm, phải thể nghiệm, và cũng phải sẵn sàng đối diện với sai lầm, vấp váp khó tránh. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày”. Khi chưa giành được chính quyền là có thể bị đế quốc bắt bớ, giam cầm; thậm chí phải hy sinh tính mạng. Khi hòa bình, xây dựng phải lao tâm khổ tứ để tìm ra cái mới, dám đem thân bảo vệ cái mới, dám hy sinh lợi ích bản thân vì lợi ích nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
* * *
Bác Hồ là tấm gương lớn về tư cách của một người cán bộ cách mạng, đạo đức trong sáng, cần kiệm, liêm chính, và điều vĩ đại hơn là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Đầu xuân 1941, Bác về nước. Sau khi nắm kỹ tình hình trong nước và quốc tế, với tư cách là đại biểu Quốc tế Cộng sản, Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa I) từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941 tại Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Hội nghị xác định, để cách mạng thành công, phải tập hợp được lực lượng toàn dân, phải thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), dùng Việt Minh mà Đảng là hạt nhân, là người lãnh đạo; ra Báo Cứu Quốc để kêu gọi tập hợp đội ngũ; đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trước vấn đề giải phóng giai cấp: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để “rút củi đáy nồi” khi tình hình đất nước đang sôi bởi sự tranh giành quyền lực, tất cả các mũi tên của kẻ thù đều chĩa về phía cộng sản, ngày 11-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo "Tự ý giải tán", rút vào hoạt động bí mật, gọi là Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương... Đó là quyết định hết sức dũng cảm, kịp thời, tránh được sự nghiêng đổ của thế nước.
Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng, cả dân tộc đã đứng lên đánh Pháp khi chỉ có gậy tầm vông chọi với súng trường, súng máy; đánh Mỹ với pháo cao xạ, tên lửa tầm thấp chọi với máy bay B52, nhưng cuối cùng chúng ta đã thắng. Không dám nghĩ, dám làm, dám đánh, làm sao đất nước có được độc lập, thống nhất, có được cơ đồ và vị thế hôm nay?
Những người cộng sản chân chính, với mục đích cao đẹp của mình luôn có những quyết định táo bạo, tạo ra những bước ngoặt lịch sử. Đó là khi Trần Văn Giàu và Việt Minh Nam Bộ quyết đứng lên kháng chiến vào ngày 23-9-1945 khi chưa có lệnh của Trung ương. Đó là khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; là khi đồng chí Kim Ngọc và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết định khoán sản phẩm cho nông dân, đồng chí Chín Cần cải cách tiền lương ở Long An, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định làm đường dây 500 KV... Những quyết định ấy, ban đầu đều vấp phải sự phản đối, thậm chí vướng vào văn bản pháp quy.
Không ai dám nói mọi quyết định táo bạo đều đúng cả. Nhưng nếu người đó sâu sát thực tế, nắm chắc được quy luật, lắng nghe và thực hiện theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không vụ lợi, thì thường có quyết sách đúng, và thường phần đúng sẽ nhiều hơn phần sai. Dám chấp nhận phần sai ít, chịu trách nhiệm cá nhân để phần đúng nhiều hơn, phần lợi ích tập thể lớn hơn, đó là cách mạng, là yêu cầu đối với cán bộ.
Hiện nay, khi phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dâng cao, nhiều nơi, nhiều người vì sợ trách nhiệm mà ngồi yên như tượng đất, vì sợ kỷ luật, sợ sai hơn sợ công việc đình trệ mà thực hiện "ba không": Không nói, không đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng.
Loại cán bộ "phỗng đất" ấy, hoặc không có năng lực, hoặc thiếu bản lĩnh, hoặc cơ hội, đều phải thay thế, “không làm thì đứng sang một bên”. Càng vào lúc khó khăn, phức tạp, càng cần phải năng động, sáng tạo.
* * *
Năng động, sáng tạo, dám “xé rào” chịu trách nhiệm cá nhân có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Đại thi hào Gớt có câu: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Ph.Ăng-ghen nói: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc ("C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập", NXB Chính trị quốc gia, 1999, tập 36, trang 796).
Lê-nin phân tích và khẳng định: “Luận điểm kinh điển ấy (của Ăng-ghen) nhấn mạnh một cách đặc biệt rõ rệt và nổi bật một phương diện của chủ nghĩa Mác mà người ta rất thường hay quên không nhìn tới. Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng...” ("Về một số đặc điểm trong sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác" - tạp chí Ngôi sao, số 2, ngày 23-12-1910, bút danh V. I-lin).
Bác Hồ nói giản dị: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý” ("Bài nói chuyện tại Trường Đại học Nhân dân Việt Nam", ngày 21-7-1956); “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” ("Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", ngày 17-10-1945).
Trong thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên ngày 13-2-1962, Bác viết: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”.
Chúng ta thừa nhận rằng, mỗi thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định và kỷ luật của tổ chức, mỗi công dân phải thượng tôn pháp luật.
Nhưng chúng ta cũng phải nhận thức sâu sắc rằng, thực tiễn phong phú và sinh động hơn tất cả; yêu cầu phát triển cao hơn tất cả. Bởi vậy, luôn luôn cần những người cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Cách mạng cần người dẫn dắt, người có tư tưởng và hướng dẫn hành động đi trước thời đại. Cha ông ta có câu: "Một người lo hơn kho người làm". Nói về vai trò cá nhân trong lịch sử, đồng chí Trường Chinh nói về Bác Hồ như sau: “Chúng ta lập được thành tích cách mạng như ngày nay là nhờ biết bao đồng chí, biết bao chiến sĩ đã hy sinh cho cách mạng, biết bao đảng viên và quần chúng đã vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Song một phần quan trọng là nhờ công lao vĩ đại của Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta” ("Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta", Báo Nhân Dân số 1, 11-3-1951).
Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, có nêu: "Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm". Trên cơ sở đó, chúng ta hy vọng rằng cả nước dấy lên tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đưa đất nước tiến vượt lên, thực hiện mục tiêu cao cả, di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ: Đưa Việt Nam thành một nước phát triển cao, sánh vai các cường quốc năm châu.