Đam mê đi và viết của một người thầy

Nghiên cứu văn nghệ dân gian là một mảng không nhiều người tham gia. Bởi thế, chúng tôi thật sự vui mừng khi biết được Tiến sĩ Hồ Văn Tuyên (bút danh Hồ Xuân Tuyên, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), sau khi nghỉ hưu đã dành phần lớn thời gian cho công việc này. Trong năm 2024 ông đã cho xuất bản một số đầu sách về đề tài này .

Tiến sĩ Hồ Văn Tuyên nguyên là Giảng viên khoa Ngữ văn của Trường Đại học Thủ Dầu Một. Ông chuyên nghiên cứu về tiếng Việt, về phương ngữ và văn hóa Nam bộ và đã có nhiều đầu sách, giáo trình, nhiều bài viết về lĩnh vực này.

Tiến sĩ Hồ Văn Tuyên vẫn miệt mài đi và viết về đất Bình Dương

Từ khi về hưu đến nay, ông có nhiều thời gian hơn dành cho niềm đam mê nghiên cứu và sáng tác của mình. Năm 2024, ông ra cuốn Tiếng Việt Nam bộ và tiếng Việt toàn dân và cuốn Địa danh dân gian Bình Dương. Hai cuốn sách trên đều do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành. Cuốn đầu là tập hợp phần lớn các bài viết về phương ngữ, văn hóa và văn học Nam bộ. Cuốn sau viết về địa danh dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận. Cuốn sách bước đầu nhận diện ngôn ngữ, lối tư duy và văn hóa của con người và vùng đất Bình Dương qua các địa danh dân gian nơi đây. “Tôi rất vui vì hai cuốn sách của mình được bạn đọc đón nhận và có những phản hồi tích cực”, Tiến sĩ Hồ Văn Tuyên nói.

“Tôi sẽ lên kế hoạch hoàn thành bản thảo cuốn sách về vấn đề dạy chính tả ngữ âm ở bậc tiểu học của địa phương Bình Dương; dự định sẽ ra một tập thơ về quê hương, một tập ký về những miền đất mà tôi từng sống và công tác… Ước muốn thì nhiều, dự định cũng lắm nhưng tôi không biết mình có kham nổi không. Nhưng tôi vẫn cố gắng vì niềm đam mê nghiên cứu và sáng tác của mình”, vị tiến sĩ nói về dự định của mình.

Các quyển sách Tiến sĩ Hồ Văn Tuyên xuất bản năm 2024

Theo Tiến sĩ Hồ Văn Tuyên, vẻ đẹp của miền quê, nếp xưa của nông thôn Việt, sự yên bình của vùng nông thôn còn ghi dấu trong cảnh vật của Bình Dương là nguồn cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật của ông, đặc biệt là khi sáng tác thơ hay viết tản văn. Theo ông, Nam bộ là vùng đất gắn bó gần trọn cuộc đời mình. Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng là quê hương nhiều ân tình sâu nặng đối với ông. Vùng đất và con người nơi đây đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Thiên nhiên và cuộc sống con người của vùng đất đã trở thành chất liệu nghệ thuật trong các sáng tác, trở thành tư liệu quý cho các công trình, bài viết khoa học của ông.

Sau những chuyến đi, Tiến sĩ Hồ Văn Tuyên cho biết ấn tượng khó quên trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của ông là những con đường liên xã, liên huyện, liên tỉnh tráng nhựa, rộng rãi nối với nhau; cảnh công nhân hối hả về các khu công nghiệp để kịp giờ làm; những sản phẩm độc đáo từ các làng nghề, nét đẹp của vườn cây trái Lái Thiêu… Đó cũng là những khởi đầu cho ý tưởng về đề tài địa danh mà ông đã đăng ký với Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam để thực hiện từ năm 2019 đến nay và cả những tác phẩm sau này nữa.

QUỲNH NHƯ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/dam-me-di-va-viet-cua-mot-nguoi-thay-a339626.html
Zalo