Đắm đuối với sơn mài

Từ tấm bé đã nghe mùi sơn ta đặc quánh không khí trong nhà, Chu Nhật Quang theo đuổi tranh sơn mài đầy nghiêm túc và say mê. Chẳng mấy ai được như anh, đầu tư hẳn 7 năm du học hội họa tại Mỹ. Nếu không có sự say và yêu nghề ngấm sâu trong từng mạch máu thì không có một Chu Nhật Quang sở hữu hàng chục bức sơn mài khổ lớn. Khoảng 50 bức tranh sơn mài được tuyển chọn chỉn chu, sớm ra mắt công chúng tại Hoàng thành Thăng Long. Triển lãm khai mạc dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Màu dân tộc trong tranh

Chu Nhật Quang (Chu Quang) là cái tên mới trong làng hội họa. Anh sắp có màn ra mắt ấn tượng khiến nhiều người cầm cọ trầm trồ. Chu Quang âm thầm, tận lực làm sơn mài trong khoảng dăm năm qua, có được hàng chục bức sơn mài đủ kích thước. Chàng họa sĩ chọn khoảng 50 bức sơn mài cho triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hoàng thành Thăng Long, dự kiến khai mạc ngày 5/10.

 Họa sĩ Chu Quang bên tác phẩm của ông nội - nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn

Họa sĩ Chu Quang bên tác phẩm của ông nội - nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn

Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, có ông nội là họa sĩ, nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn (thuộc thế hệ đàn anh, là thầy của những nghệ nhân giỏi tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ xứ Đoài) và bố là NSƯT Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Là con nhà nòi cho nên việc Quang bị thu hút và đắm đuối với sơn mài tự nhiên như hơi thở. “Từ khi còn là cậu bé 6, 7 tuổi, tôi đã được ông nội và bố giao nhiệm vụ mài tranh. Khu vực sinh hoạt chính của ông nội chỉ gói gọn trong phòng vẽ, từ phòng bên cạnh tôi đã thấy mùi sơn ta quyện trong bầu không khí. Có lẽ tôi gắn bó với hội họa, với sơn mài nhờ tuổi thơ gắn liền với mùi sơn từ phòng vẽ của ông nội”, họa sĩ Chu Quang kể.

 Anh vận hành một số xưởng vẽ ở ngoại thành để phục vụ quá trình sáng tác sơn mài khổ lớn tới hơn 5 mét ngang

Anh vận hành một số xưởng vẽ ở ngoại thành để phục vụ quá trình sáng tác sơn mài khổ lớn tới hơn 5 mét ngang

Sự tự tin chinh phục lĩnh vực hội họa gian nan đầy thử thách của Chu Quang được tiếp sức từ những ý kiến, tài liệu ghi chép được ông nội trao truyền, sự ủng hộ của cả gia đình. Độ vài chục năm trước, sơn mài được coi là lĩnh vực sáng tác khó khăn và đầy bí hiểm trong hội họa Việt. Tranh sơn mài cũng được thế giới coi như “quốc họa” của Việt Nam. Quang nhận ra, sơn mài là chất liệu phù hợp nhất giúp hiện thực hóa tất cả ý tưởng nghệ thuật anh từng ấp ủ.

Vào nghề gần 4 năm, Quang đã hoàn thiện hàng chục bức sơn mài lớn, nhỏ. Sáng tác đầu tiên của Chu Quang chủ yếu là tranh sơn mài tĩnh vật, có thể kể tới bức Hoa chuông trong bình gốm, ghép nhặt từ những ấn tượng đầu tiên của anh về tạo hình gốm khi du học tại Mỹ.

Giai đoạn sau, Chu Quang chủ yếu đưa cảnh đồng quê, những danh lam thắng cảnh của Hà Nội và dải đất hình chữ S lên tranh. Mái đình, chùa làng Việt, lễ hội chùa Thầy, cảnh lao động sông nước miền Tây... vừa bình yên vừa sống động. Thời gian sẽ là thứ nước thần tráng lên bề mặt các tác phẩm sơn mài, cho nó thêm trong, sâu thẳm hơn nữa.

 Lễ hội chùa Thầy sống động trong ký ức của Chu Quang được đưa lên tranh sơn mài

Lễ hội chùa Thầy sống động trong ký ức của Chu Quang được đưa lên tranh sơn mài

Người làm sơn mài buộc phải kỳ công với quy trình làm vóc, có tới 10-11 công đoạn, từ bồi vóc, phủ sơn, rồi tiếp tục bọc vải, lại tiếp tục phủ sơn. Quá trình này diễn ra rất nhiều lần đảm bảo cho trong quá trình sử dụng vóc không bị nứt vỡ. Sơn mài thường diễn ra trong khoảng 30 ngày cho tới 2 tháng. Sau khi lớp sơn đã khô hoàn toàn, bề mặt vóc sẽ được mài nhẵn. Họa sĩ sau đó lại phủ lên vóc một hoặc nhiều lớp sơn lót khác để tạo nền cho các bước tiếp theo. Khâu cuối cùng là sơn màu, vẽ hoặc chạm trổ các họa tiết trang trí trên bề mặt vóc thông qua các kỹ thuật như cẩn trứng, cẩn vỏ trai, hoặc khảm bạc, vàng. Cuối cùng, sản phẩm sẽ được mài và đánh bóng cho đến khi đạt được độ bóng và mịn hoàn hảo trên bề mặt.

Trong suy nghĩ của nhiều người, tranh sơn mài truyền thống Việt Nam vốn được xem là khó bứt ra khỏi khuôn mẫu đã được định sẵn về màu sắc đỏ, vàng, đen, bạc đặc trưng. Ấy thế mà nhìn vào tranh của Chu Quang, không hiếm bức lấp lánh sắc tím, sắc cam hồng rực tưởng chừng sơn mài phải bó tay... Anh tự hào bởi đó là thành tựu đáng kể trong những năm đầu nên duyên với tranh sơn mài.

 Tranh Mùa nước nổi ở miền Tây là một trong những tác phẩm kích thước lớn của họa sĩ Chu Quang

Tranh Mùa nước nổi ở miền Tây là một trong những tác phẩm kích thước lớn của họa sĩ Chu Quang

Màu truyền thống sơn son thếp vàng kết hợp với những mảng màu, độ sáng khác nhau mang hơi thở thời đại. Tác phẩm sơn mài của họa sĩ trẻ sinh năm 1995 luôn có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại là vì thế.

Ý tưởng táo bạo với sơn mài

Bầu nhiệt huyết làm sơn mài thôi thúc Quang theo đuổi hội họa, nhưng anh không vội bập vào nghề ngay. Từ năm 2013, Quang theo học mỹ thuật tại trường Santa Ana, California (Mỹ). Tốt nghiệp về nước năm 2020, Quang lại dùi mài học thêm 3 năm ngành Thiết kế ứng dụng tại Đại học RMIT, đồng thời bắt tay sáng tác.

Khởi nguồn cho những cảm hứng sáng tác của anh là hơi thở vùng nông thôn quê nội Thạch Thất - nơi có nhiều làng nghề, lễ hội. Mái đình cong cong, những ngôi nhà dưới chân núi, cổng làng cổ kính hay cảnh chăn trâu trở thành tác phẩm sống động nhờ kỹ thuật mài tỉ mẩn. Những chú rối và các linh vật long, ly, quy, phượng ẩn hiện trong tranh sơn mài Chu Quang.

Bắt đầu với những bức có kích thước nhỏ xinh, sau này Quang đã phát triển lên khổ 5m ngang, 2 m cao. Đặc biệt là sự chịu chơi khi làm nguyên khối, không chia cắt thành các tấm nhỏ như thông lệ với tranh khổ lớn.

Một trong những bức có hấp lực nhất chính là ký ức lễ hội chùa Thầy được tái hiện trong tranh sơn mài của Chu Quang. Chùa Thầy là cái nôi sinh ra hồn vẽ sơn mài của Quang. Quê ở làng nghề nghìn năm Chàng Sơn, Thạch Thất, nên từ nhỏ Quang được bố và ông dẫn ra chùa Thầy, sau này khung cảnh xưa cứ hiển hiện ra. Anh dùng tròm trèm đôi ba chục lớp sơn bồi để làm nổi bật vẻ thâm trầm của di tích, không khí linh thiêng huyền bí của lễ hội chùa Thầy.

“Bức lớn nhất của tôi là tranh vẽ chùa Thầy, dài hơn 5 mét, nặng khoảng 400kg. Tác phẩm hoàn thiện trong khoảng 3-4 năm, không ít lần bị lùi tiến độ do phải trau chuốt cho tới khi thật ưng mới chịu. Quy trình thực hiện của tôi khá mới. Thay vì chia tấm nhỏ để tiện di chuyển, tôi làm liền tấm để trải nghiệm xem tranh được xuyên suốt, không ngắt quãng”, họa sĩ chia sẻ. Số lớp sơn không bị giới hạn, có thể gấp đôi, gấp ba con số 8-11 lớp thông thường.

Chu Quang kiệm lời, dường như tất thảy niềm yêu thích, đắm say nghề đều dồn hết vào sơn mài. “Dù không đặt ra những nguyên tắc riêng về thời gian sáng tác, tôi luôn có cảm hứng với việc hằng ngày tới xưởng vẽ, bắt tay vào các công đoạn làm vóc, bồi sơn…”, Chu Quang tâm sự.

“Mỗi tác phẩm đem lại những cảm nhận riêng, đó là sự bồi hồi, lo lắng và cả những vỡ òa sung sướng. Khi đã có ý tưởng, mỗi phút không được làm tranh đều thấp thỏm, bứt rứt”.

Họa sĩ Chu Quang

Từ tranh tĩnh vật cho tới danh lam thắng cảnh trong tranh sơn mài của Quang đều đặc biệt ở chỗ, tất cả hiển hiện nhờ ký ức từ hàng chục năm trước. Quang vẽ bằng ký ức, cổng làng quê, mái ngói cong cong của ngôi chùa quê… đều sống dậy từ ký ức. Có những kiến trúc bị biến dạng theo thời gian được trở về vẹn nguyên trong tranh của Chu Nhật Quang.

Mong muốn của anh là đưa được tất cả danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng của Việt Nam lên tranh sơn mài. Môi trường đô thị hóa và nhịp sống hiện đại lại càng thôi thúc Chu Quang duy trì mối liên kết chặt chẽ, gắn kết với quê hương thông qua hội họa. Tính dân tộc trong tranh luôn được khẳng định ở tầm mức cao. Tuy nhiên, anh khẳng định, những cảnh đẹp của quê hương được thể hiện thông qua góc nhìn mới, đậm dấu ấn của người trẻ.

Dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô sắp tới, tranh sơn mài Chu Quang sẽ đến gần hơn với công chúng thông qua triển lãm cá nhân đầu tay, bày trí ở Khu Hậu lâu của Hoàng thành Thăng Long. Khoảng 50 bức sơn mài đủ kích thước từ lớn đến nhỏ được kỳ vọng tạo nên một triển lãm đáng nhớ, được nâng đỡ bởi không gian linh thiêng, giá trị văn hóa-lịch sử của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Triển lãm đầu tay cũng thể hiện một góc hiểu biết và tình yêu của họa sĩ với Hà Nội.

Đi từng bước chắc chắn, vì thế xa hơn, họa sĩ Chu Quang ấp ủ dự định quảng bá tác phẩm ở nước ngoài. Không dừng lại ở những bức sơn mài lớn và liền tấm, anh táo bạo nghĩ đến những bức panorama hoặc ý tưởng không trình bày trên mặt phẳng, để người xem đi theo bức tranh, cảm nhận từng đường nét, hình khối thay vì cách cảm thụ trực diện quen thuộc bằng thị giác.

Được cả gia đình kỳ vọng sẽ “đạt điểm tuyệt đối về nghề” và không cần quá quan tâm tới gánh nặng cơm áo, Quang cho biết, tranh vẽ ra sẽ chỉ để tặng, trưng bày tại gallery riêng của gia đình. Sơn mài với Chu Quang vừa là đam mê, vừa là cầu nối giữ gìn ngọn lửa truyền thống nghệ thuật cháy bỏng từ ông nội, từ bố. Tranh sơn mài cũng là phương tiện để họa sĩ Chu Quang thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước.

Bài học vỡ lòng đầu tiên của họa sĩ sơn mài là phải thật cẩn thận với sơn sống. Đây chính là thứ gây ra hiện tượng “sơn ăn” khiến cơ thể sưng phù, cản trở quá trình sáng tác. Tuy nhiên, họa sĩ Chu Quang được tổ nghiệp chọn, may mắn chưa từng gặp phải tai nạn nghề nghiệp. Điều may mắn đó dường như là tín hiệu, cơ duyên để họa sĩ trẻ kiên định gắn bó với nghệ thuật sơn mài vốn nhiều gian khó.

NGUYÊN KHÁNH - NGỌC ÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dam-duoi-voi-son-mai-post1668054.tpo
Zalo