Đạm Cà Mau (DCM) muốn nâng công suất nhà máy ure, mở mảng xuât khẩu trái cây

Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) hiện đang có kế hoạch mở rộng công suất thiết kế Nhà máy Đạm Cà Mau lên 125% so với mức hiện tại. Đây cũng là nhà máy sản xuất ure hạt đục nội địa duy nhất của Việt Nam.

Đạm Cà Mau hiện có kế hoạch nâng công suất của nhà máy ure lên khoảng 1 triệu tấn/năm, tương đương 125% công suất thiết kế hiện tại.

Đạm Cà Mau hiện có kế hoạch nâng công suất của nhà máy ure lên khoảng 1 triệu tấn/năm, tương đương 125% công suất thiết kế hiện tại.

Tại Hội nghị gặp mặt nhà đầu tư vừa qua, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2030, công ty sẽ triển khai 18 dự án và tập trung chủ yếu vào phát triển kho bãi để có nơi tích trữ nguyên liệu đầu vào giá rẻ nhằm đón xu hướng giá bán thành phẩm tăng.

Riêng trong năm 2025, Đạm Cà Mau dự kiến chi 771 tỷ đồng để triển khai đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản; trong đó, khoảng 395 tỷ đồng đến từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết công ty đang lên kế hoạch nâng công suất thiết kế của nhà máy ure lên 125% so với mức hiện tại, đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, với vốn đầu tư khoảng 836 tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2028. Nguồn cung khí cho nhà máy mở rộng dự kiến sẽ đến từ các mỏ Nam Du - U Minh và Khánh Mỹ - Đầm Dơi.

Hiện tại, Đạm Cà Mau đang sở hữu Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn ure hạt đục/năm. Đây cũng là nhà máy sản xuất ure hạt đục nội địa duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Đạm Cà Mau cũng đang vận hành Nhà máy NPK Cà Mau có công suất 300.000 tấn/năm và Nhà máy NPK Hàn - Việt có công suất 360.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Đạm Cà Mau cũng chia sẻ về kế hoạch đa dạng hóa kinh doanh thông qua phát triển bến cảng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để hỗ trợ hoạt động kinh doanh NPK và cung cấp dịch vụ thương mại từ năm 2028 trở đi. Đồng thời, công ty cũng dự kiến mở rộng sang trồng trọt, chế biến và xuất khẩu trái cây vào năm 2028.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Năm 2025, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng sản xuất đạt 1,25 triệu tấn. Trong đó, sản lượng sản xuất ure sẽ chiếm phần lớn với mục tiêu đạt 910.000 tấn. Còn lại sản lượng NPK do công ty tự sản xuất và NPK do công ty con sản xuất lần lượt dự kiến đạt 220.000 tấn và 120.000 tấn.

Công ty đặt mục tiêu sản lượng kinh doanh là 1,5 triệu tấn, gồm: 759.000 tấn ure; 120.000 tấn đạm chức năng; 220.000 tấn NPK do công ty tự sản xuất; 120.000 tấn NPK do công ty con sản xuất; và 280.000 tấn phân bón tự doanh.

Theo đó, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 13.983 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 864 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 774 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh năm 2024, Đạm Cà Mau ước tính doanh thu năm nay đạt 13.661 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.270 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 1% so với kết quả đạt được trong năm 2023.

Tính riêng quý 4/2024, Đạm Cà Mau ước tính doanh thu đạt 4.106 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm tới 74%, còn 141 tỷ đồng.

Như vậy, so với kết quả kinh doanh ước tính năm nay thì chỉ tiêu doanh thu năm 2025 của Đạm Cà Mau tăng 2% và lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 32%. Nếu chỉ hoàn thành kế hoạch đề ra, đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2021 đến nay của công ty.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm--muon-nang-cong-suat-nha-may-ure--mo-mang-xuat-khau-trai-cay-131754.htm
Zalo