Đảm bảo sinh kế cho đồng bào ở vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng

Vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có tổng diện tích tự nhiên trên 220 nghìn ha, với 13 xã nằm về phía Tây-Bắc của tỉnh, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tổng tỷ lệ hộ nghèo của các xã chiếm trên 50%. Những năm qua với sự nỗ lực của tỉnh, chính quyền các cấp trong việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm theo hướng bảo tồn, bền vững, đời sống người dân nơi đây đã từng bước đổi thay.

Vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng tập trung chủ yếu ở vùng núi và vùng cao bao quanh khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia. Vùng đệm có tác dụng ngăn chặn, giảm nhẹ tác động tiêu cực từ bên ngoài đến Vườn quốc gia. Do vậy, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học còn là “bà đỡ” trong sinh kế của đồng bào ở vùng đệm, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Mở hướng thoát nghèo bền vững

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá, các xã vùng đệm bao gồm: Xuân Trạch, Thượng Trạch, Tân Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Phú Định, Phúc Trạch (Bố Trạch); Hóa Sơn, Trung Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa (Minh Hóa) và Trường Sơn (Quảng Ninh). Từ bao đời nay, nhân dân nơi đây vẫn quen sống dựa vào tài nguyên trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hiện nay tổng tỷ lệ hộ nghèo của các xã vùng đệm chiếm trên 50%. Đời sống dân cư khó khăn đã làm tăng áp lực đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tập trung cho người dân vùng đệm.

Tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tập trung cho người dân vùng đệm.

Trong khi, vùng đệm là một bộ phận không thể thiếu đối với các khu bảo tồn với hai chức năng cơ bản là chức năng sinh thái và chức năng dân sinh. Để giảm áp lực đối với tài nguyên trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Quảng Bình đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế để xây dựng nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng đệm.

Tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, vận động người dân tập trung cải tạo và mở rộng hợp lý diện tích thâm canh lúa, ngô. Áp dụng các giống lúa, ngô mới cho năng suất và chất lượng cao, đổi mới phương thức canh tác nhằm nâng cao năng suất và sản lượng lương thực, đẩy mạnh phát triển những cây công nghiệp ngắn ngày thích hợp với điều kiện của các xã như: lạc, đậu...

Đặc biệt, nhiều hộ dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa, kết hợp tăng quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có; xây dựng các mô hình nuôi nhốt một số loài động vật hoang dã (trừ các loại thuộc nhóm I Nghị định 32) như: dúi, nhím, lợn rừng, tắc kè, kỳ đà, gà lôi trắng...

Đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã thực hiện các chính sách giao đất, giao rừng ổn định đến từng hộ và nhóm hộ gia đình nông dân, bảo đảm cho đồng bào miền núi có cuộc sống thu nhập ổn định từ rừng.

“Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung phát triển du lịch sinh thái, thông qua các hoạt động như cho khách thuê nhà nghỉ, chụp ảnh, lái thuyền du lịch, bán hàng lưu niệm và nhà hàng quán ăn đã góp phần nâng cao thu nhập của nhân dân sống trong vùng đệm”, ông Hồ An Phong chia sẻ.

Xây dựng sản phẩm từ mô hình HTX

Bố Trạch là huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn, có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi đây có lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên nên Bố Trạch rất phù hợp cho nghề nuôi ong lấy mật, đặc biệt mật ong Phong Nha là sản phẩm đặc sản của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Nghề nuôi ong lấy mật đã có từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu là tự phát ở các hộ gia đình nên còn manh mún, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân, những năm gần đây nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, rủi ro thấp lại có thu nhập tốt, phù hợp với phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình, nên huyện Bố Trạch đã thực hiện mô hình thành lập HTX nuôi ong và tổ hợp tác để triển khai việc nuôi ong lấy mật nhằm tăng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn huyện.

HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch ra đời với 20 thành viên, mỗi thành viên góp vốn 9 đàn ong với tổng số lượng 180 đàn.

Từ ngày thành lập cho đến nay, HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch hoạt động có hiệu quả. Năm 2021, sản lượng mật thu được 1.440 lít mật/180 đàn. Năm 2022, nhờ tăng đàn (từ 180 đàn lên 270 đàn), nên sản lượng mật của HTX tăng cao đạt 2.160 lít. Năm 2023, các thành viên HTX đã đầu tư tăng đàn lên 360 đàn.

Hiện nay, HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch đã tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật và được hỗ trợ nguồn vốn để tạo ra các đàn ong khá, năng suất mật cao, ít nhiễm bệnh.

Các sản phẩm mật ong hoa của vùng Phong Nha khi thành phẩm đều đảm bảo chất lượng về mật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó việc kiểm soát chất lượng mật ong tại đây đều thông qua hội đồng quản trị HTX, việc quay mật đều do tổ kỹ thuật thực hiện, vì vậy độ đồng đều về chất lượng luôn luôn được đảm bảo mang lại sự tin cậy cho người tiêu dùng. Đây là một nét đặc trưng của mật ong vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Các HTX ở vùng đệm đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Các HTX ở vùng đệm đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xã Phúc Trạch cho biết: “Hiện nay, HTX đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo… Đồng thời, HTX cũng đã ký được hợp đồng với Công ty TNHH-TMDV Nông nghiệp Thủy sản Quảng Bình bao tiêu sản phẩm cho HTX mỗi năm 1.000 lít mật; liên kết với Công ty Oxilic du lịch, Nhà hàng Phương Nam tiêu thụ sản phẩm bằng cách bán hàng ký gửi cho khách du lịch;... từ đó, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện”.

Nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Theo ông Hồ An Phong, với các giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã góp phần quan trọng bảo vệ và phát triển diện tích rừng đặc dụng hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình sống tại vùng đệm, góp phần bảo vệ rừng, củng cố an ninh-quốc phòng vùng sâu, xa, vùng biên giới.

Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, HTX và cộng đồng. Mặt khác, cần lồng ghép các chương trình như xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để hỗ trợ vùng đệm.

Xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, thí điểm giao rừng đặc dụng cho HTX quản lý, gắn với bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm.

Có thể thấy, nhằm giúp cho những người dân nghèo các xã sống ở vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng có được công ăn việc làm ổn định để thoát nghèo bền vững, đồng thời hạn chế được việc khai thác các sản phẩm từ rừng, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống như: trồng tre lấy măng, Cá Trắm cỏ nuôi lồng, nuôi gà - lợn thương phẩm, chăn nuôi Bò sinh sản, rau an toàn, nuôi ong lấy mật, hầm khí Biogas, trồng cây Hồ tiêu, trồng cây Huê mộc vàng,... Từ các mô hình trên đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/dam-bao-sinh-ke-cho-dong-bao-o-vung-dem-phong-nha-ke-bang-1095245.html
Zalo