Đảm bảo quyền lợi cho người dân tại các dự án trọng điểm
TPHCM đang lấy ý kiến góp ý của người dân, cán bộ Mặt trận… về những dự án giao thông lớn, dự kiến được triển khai trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đề nghị, cần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân bị ảnh hưởng tại khu vực dự án đi qua, nhất là vấn đề bồi thường cho các trường hợp bị thu hồi đất.
Tạo điều kiện cho dân giám sát
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Sở Giao thông vận tải TPHCM, có 5 dự án giao thông lớn được nâng cấp, xây mới dự kiến sẽ được triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), bao gồm: Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương; Quốc lộ 1, đoạn từ Kinh Dương Vương đến giáp ranh tỉnh Long An; Quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3; trục đường Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và xây dựng Cầu đường Bình Tiên, đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.
Tại Hội nghị góp ý đối với các dự án nêu trên, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức mới đây, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Trong đó, Luật sư Trương Thị Hòa - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM) mong muốn, HĐND thành phố cần ban hành danh mục các dự án phản biện xã hội để UBND thành phố thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án nhằm thuận lợi cho người dân thực hiện quyền giám sát theo đúng quy định của pháp luật.
Bà Hòa đề nghị, đối với dự án có giải phóng mặt bằng và chi phí chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính không đảm bảo khả năng hoàn vốn, HĐND cần xem xét quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bên cạnh đó, các dự án cũng cần phải có phần nội dung đánh giá tác động đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường.
Ông Phan Văn Phụng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 cho biết, trên địa bàn quận có Dự án Cầu đường Bình Tiên đi qua phường 6 và phường 14, đây là Dự án được đánh giá là rất quan trọng đối với địa bàn quận cũng như khu vực phía Tây Nam Sài Gòn. Chính quyền và nhân dân Quận 8 rất mong dự án sớm được triển khai.
Theo ông Phụng, để thuận tiện trong việc tuyên truyền và vận động người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chấp thuận bàn giao mặt bằng chủ đầu tư phải đảm bảo người dân được thông báo về tiến độ thi công, thời gian bắt đầu và kết thúc, cũng như các thay đổi trong kế hoạch. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi họp để lắng nghe ý kiến và giải đáp thắc mắc của người dân.
Bà Đinh Thị Mỹ Nhi - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trung Mỹ Tây, quận 12 kiến nghị, thành phố cần lưu ý đến khả năng tích hợp và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại, cũng như trong tương lai để phù hợp với yêu cầu của dự án, tránh tình trạng thiếu đồng bộ, lãng phí. Bên cạnh đó, phải có phương án giao thông hợp lý khi triển khai thực hiện dự án, không để ùn tắc, kẹt xe... gây ảnh hưởng đến giao thông chung của toàn tuyến và khu vực.
“Thành phố nên có cơ chế giám sát chặt chẽ từ phía chính quyền các cấp đối với quá trình triển khai dự án, tránh các rủi ro về tham nhũng, lãng phí hoặc việc làm không minh bạch cũng như đảm bảo tiến độ thời gian thực hiện dự án” - bà Nhi nói.
Các phương án phải phù hợp với thực tế
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM đánh giá, hiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ Kinh Dương Vương đến giáp ranh tỉnh Long An chưa nêu rõ việc áp dụng đơn giá đất mới, tiệm cận với thị trường để bồi thường cho người dân. Việc này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây ra tranh cãi kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước.
“Cần xây dựng và triển khai các phương án phù hợp với thực tại. Điều này sẽ giúp tuân thủ đúng tiến độ thực hiện công tác cần thiết khi xây dựng thi công các dự án, đồng thời hạn chế được tình trạng sửa đổi bổ sung nhiều lần kéo dài thời gian thực hiện và thiếu vốn đầu tư như các dự án tương tự đã được thực hiện trước đây” - ông Hậu nhấn mạnh.
Về phương thức thu phí, ông Hậu cho rằng, các dự án BOT thường bị người dân phản ứng, theo đó phương án thu theo lượt dễ gây các bất đồng quan điểm, gây bức xúc cho nhân dân, nhất là trong trường hợp lộ trình điểm đến của họ nằm cách trước và sau trạm thu phí có bán kính ngắn mà vẫn bị thu như các phương tiện đi hết cả chặng đường. Ông Hậu tin tưởng, với công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể tổ chức thu theo chặng, người dân đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.
Trong khi đó, ông Trần Minh Thơ - nguyên Trưởng phòng Bồi thường Tái định cư, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhận định, mức bồi thường ở Dự án tái định cư Quốc lộ 13 là rất lớn nhưng phương án lại chưa thể hiện được cụ thể. Ông Thơ đặt vấn đề: cần nêu rõ hơn việc áp dụng quy định, phương pháp nào về tái định cư, con số đã đúng chưa? Quá trình thực hiện có đội giá lên không? lúc đó xử lý thế nào? Đối với phần tái định cư cần phân thành dự án độc lập, đây là giải pháp căn cơ để đẩy nhanh, rút ngắn thời gian thực hiện. Ngoài ra, nên thống nhất, tiêu chí rõ ràng. “Đánh giá lại, trao đổi với địa phương, phải đảm bảo cuộc sống cho người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” - ông Thơ nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Minh Trí - người dân phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức cho hay, đối với phường Hiệp Bình Phước dự kiến có khoảng trên 800 hộ phải giải tỏa, trong đó có trên 200 hộ thuộc diện giải tỏa trắng để thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 13. Vì vậy ông đề nghị chính quyền TPHCM cần có chính sách tái định cư, giải quyết việc làm nhằm giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 theo hình thức BOT, khi hoàn thành đưa vào sử dụng có thu phí, ông Trí mong muốn thành phố nên có chủ trương hỗ trợ giảm hoặc miễn phí cầu đường đối với người dân nằm dọc theo tuyến đường giải tỏa.