Đảm bảo nguồn cát cung cấp cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Việc đưa vào khai thác 2 mỏ cát trên sông Tiền qua tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, đáp ứng đủ nguồn cát vật liệu cung cấp cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đảm bảo tiến độ thi công.

Ngày 15/1, tại tỉnh Đồng Tháp, diễn ra Lễ khởi công Dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền phục vụ thi công Dự án thành phần 2 (gọi tắt dự án) thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, dự án được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 106 của Quốc hội. Tổng nhu cầu cát đắp nền và gia tải cho dự án khoảng 1,571 triệu m3. Dự án được cấp 2 mỏ cát thuộc tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp để nhà thầu khai thác phục vụ thi công dự án.

Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp Bản xác nhận cho Công ty cổ phần Xây lắp 368 khai thác cát đối với khu vực II của mỏ Hòa Hưng 2 (huyện Cái Bè) trên sông Tiền để phục vụ thi công dự án, với diện tích hơn 12,5 ha. Tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác phục vụ cho dự án thành phần 2 là 656.000 m3.

Còn Bản xác nhận của UBND tỉnh Đồng Tháp, khu vực khai thác khoáng sản cát san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trên sông Tiền đoạn thuộc xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò), có diện tích 18,78 ha. Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp phê duyệt trong khu mỏ là 377.440 m3, trong đó tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác là 300.000 m3.

Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác trên sông Tiền đoạn thuộc xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò) là 300.000 m3.

Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác trên sông Tiền đoạn thuộc xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò) là 300.000 m3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, việc khởi công mỏ cát ở tỉnh Đồng Tháp để cung cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù là cột mốc rất quan trọng để việc triển khai dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Theo Trung tá Lê Trung Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), sau khi khởi công, đơn vị tập trung mọi phương tiện thiết bị đưa cát về công trường, phấn đấu đến tháng 9/2025 sẽ thông cầu toàn tuyến. "Tỉnh Tiền Giang đã cấp cho 2 mỏ cát trữ lượng hơn 600.000m3 kết hợp khai thác mỏ cát ở Đồng Tháp, nguồn cát cơ bản đủ cho dự án. Chúng tôi tập trung làm ngày đêm, 3 ca - 4 kíp, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ”, Trung tá Lê Trung Đại nói.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/dam-bao-nguon-cat-cung-cap-cho-du-an-cao-toc-cao-lanh-an-huu-i756620/
Zalo