Đảm bảo ngon và lành với thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố có ưu điểm là chế biến nhanh, rẻ, nguồn thức ăn đa dạng, hấp dẫn... được nhiều người chọn mua. Do đó, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, loại hình kinh doanh thức ăn đường phố có xu hướng tăng dần để đáp ứng nhu cầu của thực khách. Tuy nhiên, dịch vụ kinh doanh này lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Do đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước quản lý thức ăn đường phố theo quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm và hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Người kinh doanh thức ăn đường phố cần chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Người kinh doanh thức ăn đường phố cần chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp các cấp, ngành liên quan tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm loại hình kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Công tác kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các văn bản quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; các văn bản quy định về xử lý vi phạm hành chính liên quan an toàn thực phẩm như các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, việc bảo đảm nguồn gốc thực phẩm... Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Đoàn kiểm tra cũng tiến hành xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.

Qua hoạt động kiểm tra, ngành chức năng kiểm soát được điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, nhằm góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm do ăn thức ăn đường phố; bảo đảm vệ sinh môi trường; bảo đảm an sinh xã hội và mỹ quan đô thị. Đồng thời, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tăng cường nhiều hoạt động truyền thông bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú; qua đó đã góp phần nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố về đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Anh Lê Thanh Điền - chủ quán A Xào, Phường 2 (thành phố Sóc Trăng) chia sẻ: “Cơ sở của tôi luôn tuân thủ theo các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, cho thực khách. Chúng tôi tham gia các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm do ngành chức năng tổ chức để bổ sung thêm thông tin, kiến thức về an toàn thực phẩm”.

Thực tế cho thấy, kinh doanh thức ăn đường phố tồn tại nguy cơ mất an toàn thực phẩm; do loại hình dịch vụ khó kiểm soát nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì phần lớn những người bán hàng thường xuyên di chuyển địa điểm, nhiều người kinh doanh theo thời vụ và không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định. Thức ăn đường phố còn tiềm ẩn rất nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm như thức ăn thường được bày bán bên đường, gánh hàng rong, trong làn bụi và được che đậy một cách sơ sài, không có lưu mẫu thực phẩm và bảo quản thức ăn dư thừa, không có đủ nước sạch, không gian buôn bán không đảm bảo vệ sinh môi trường, nguyên liệu chế biến không có nguồn gốc rõ ràng… Do đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo cơ sở hay người kinh doanh thức ăn đường phố luôn tuân thủ đảm bảo điều kiện vệ sinh để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩmcho người tiêu dùng.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc - Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng) hướng dẫn: “Nơi kinh doanh thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn ô nhiễm, không bán thức ăn ở gần nơi cống rãnh, bùn lầy nước đọng, chỗ đổ rác thải, nhà vệ sinh, hoặc khu vực bán gia cầm, gia súc, các loại thủy sản tươi sống, rác thải, thức ăn thừa phải đựng vào thùng kín, có nắp đậy tránh ruồi nhặng và được vệ sinh thường xuyên. Thức ăn chế biến sẵn phải được bày bán trong tủ kính hoặc đựng trong các dụng cụ sạch có che đậy và để trên giá kê cao cách mặt đất từ 60cm trở lên. Người trực tiếp chế biến, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để tách biệt thực phẩm sống với chín, cũ với mới (ngăn ngừa sự nhiễm chéo). Người kinh doanh thức ăn đường phố sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn, nước và đá dùng cho đồ uống phải được làm từ nguồn nước an toàn. Nguyên liệu thực phẩm phải an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chọn thực phẩm tươi, không dập nát, không mốc, không thiu; không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm quá hạn sử dụng…”.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thức ăn đường phố, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm để góp phần phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. Riêng người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông thái, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/202410/am-bao-ngon-va-lanh-voi-thuc-an-uong-pho-31a4946/
Zalo