Đảm bảo 'mục tiêu kép' trong sản xuất lúa gạo

Ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản xuất lúa gạo, thực hiện 'mục tiêu kép' vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ sản xuất lúa gạo.

Là địa phương có diện tích sản xuất, sản lượng lúa gạo dẫn đầu tỉnh, thời gian qua, huyện Văn Bàn đã cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng đưa các giống lúa thuần chất lượng cao, giống lúa đặc sản vào sản xuất.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Văn Bàn, năm 2023, toàn huyện gieo cấy hơn 7.300 ha lúa, tổng sản lượng thóc đạt 45.827 tấn (chiếm 25% tổng sản lượng toàn tỉnh). Đến nay, 80% diện tích lúa của huyện Văn Bàn được sử dụng các giống lúa thuần chất lượng cao và lúa đặc sản (lúa nếp). Cùng với các bộ giống chất lượng, nông dân huyện Văn Bàn cũng tích cực áp dụng cơ giới hóa vào các khâu làm đất, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch, xay xát… và liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Năm 2024, huyện Văn Bàn gieo cấy 7.450 ha lúa, dự kiến sản lượng thu hoạch đạt trên 46.500 tấn. Bên cạnh các giải pháp đã được triển khai, thời gian tới, huyện Văn Bàn sẽ chú trọng phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao theo hướng đẩy mạnh liên kết gắn với tiêu thụ, chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Tương tự, tại huyện Mường Khương, việc đưa các giống lúa lai chất lượng cao, giống lúa đặc sản vào sản xuất cũng được ngành nông nghiệp và nông dân áp dụng triệt để, nhất là mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa Séng cù đặc sản. Trong tổng số 2.100 ha lúa hằng năm, nông dân huyện Mường Khương đã gieo cấy hơn 600 ha lúa Séng cù. Trung bình mỗi năm, nông dân Mường Khương mở rộng diện tích cấy lúa Séng cù thêm khoảng 50 ha. Trước đây, diện tích lúa Séng cù chủ yếu được cấy ở xã Nấm Lư và xã Lùng Khấu Nhin, nay giống lúa đặc sản này cũng được nông dân các xã Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai… ưa chuộng gieo cấy.

Theo tính toán sơ bộ của ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, mỗi ha lúa Séng cù cho thu hoạch khoảng 5,5 tấn thóc, tương đương 3.300 tấn thóc Séng cù/600 ha/năm. Với giá thóc trung bình khoảng 15 nghìn đồng/kg, mỗi năm nông dân địa phương này thu khoảng 50 tỷ đồng nhờ cấy lúa Séng cù. Giá trị sản xuất lúa Séng cù bình quân đạt trên 83,3 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với canh tác lúa thông thường.

Không chỉ huyện Văn Bàn, Mường Khương mà các địa phương khác trong tỉnh như huyện Bát Xát, Bảo Yên, Si Ma Cai… cũng đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng ngành sản xuất lúa gạo, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đa số các địa phương mở rộng diện tích canh tác lúa thuần chất lượng cao, lúa đặc sản; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển ngành lúa gạo bền vững.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Năm 2023, tổng diện tích lúa toàn tỉnh đạt 33.972 ha; năng suất bình quân cả năm đạt 5,58 tấn/ha; tổng sản lượng thóc đạt 189.640 tấn.

Các giống lúa thuần chất lượng, giá trị cao (BC15, BC15 kháng đạo ôn, TBR225, TBR88, Thiên ưu 8, Hà Phát 3, Đài thơm 8, VNR20, LH12, Bắc thơm, Tám thơm,… và các giống lúa địa phương (Séng cù, Bản Liền, nếp địa phương) luôn chiếm ưu thế trong cơ cấu giống lúa toàn tỉnh (trên 70%).

Dự kiến năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy 34.017 ha lúa; ước năng suất lúa bình quân cả năm 5,59 tấn/ha; tổng sản lượng thóc ước 190.097 tấn…

Tại văn bản cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai mới đây, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất lúa gạo trong tình hình mới. Trong đó, khuyến khích nông dân sử dụng các giống mới, ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng tốt, giống có giá trị kinh tế, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh, các giống chịu hạn. Duy trì và mở rộng diện tích thực hiện cánh đồng 1 giống, áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) với quy mô hơn 10.000 ha. Khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện đối tượng sâu, bệnh hại để có các biện pháp phòng, trừ kịp thời.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, dự báo thị trường tiêu thụ lúa gạo, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đặc biệt là các sản phẩm lúa gạo đặc sản, đã có thương hiệu của tỉnh như giống lúa Séng cù, Tẻ Ken, Khẩu Nậm Xít, nếp địa phương…

Với tình hình sản xuất ổn định và triển khai các giải pháp tập trung vào năng suất, chất lượng, ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh Lào Cai hoàn toàn có thể đảm bảo “mục tiêu kép”.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dam-bao-muc-tieu-kep-trong-san-xuat-lua-gao-post387989.html
Zalo