Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Tham gia thảo luận về dự án Luật Quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ĐBQH đoàn Hà Tĩnh đề nghị soát xét kỹ các quy định, bảo đảm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Chiều 29/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

ĐBQH Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến.

Mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, dự thảo luật chưa có quy định về các doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50%. Đề nghị mở rộng phạm vi quản lý với doanh nghiệp thuộc nhóm này, đồng thời quy định nguyên tắc quản lý dòng tiền của Nhà nước, góp phần đảm bảo minh bạch trong quản trị tài chính, tránh thất thoát, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước.

 Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hiệu quả sử dụng vốn bảo đảm đạt lợi ích kinh tế.

Theo đại biểu, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đầu ra từ việc sử dụng vốn Nhà nước, trừ những trường hợp đặc biệt do yếu tố khách quan như thiên tai, chiến tranh hoặc các cú sốc kinh tế, chính trị.

Đại biểu lưu ý, nếu thiếu quy định này, doanh nghiệp chỉ cần bảo toàn vốn mà không có động lực tối đa hóa giá trị vốn Nhà nước.

Về phân phối lợi nhuận và sử dụng quỹ, đại biểu nhấn mạnh cần quy định rõ lợi nhuận phân phối phải là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50%, cần có quy định cụ thể về cách thức phân phối lợi nhuận nhằm tạo thống nhất, rõ ràng trong quản lý.

Bổ sung hình thức đầu tư vốn Nhà nước

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu quan điểm, dự thảo chưa đề cập đầy đủ về các nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước. Đại biểu đề xuất bổ sung nguyên tắc quản lý dòng tiền, bảo vệ vốn, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước; đảm bảo kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư và bảo vệ lợi ích công.

Về Điều 21, đại biểu cho rằng ba hình thức đầu tư vốn Nhà nước hiện được liệt kê trong dự thảo chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung các hình thức đầu tư khác: như đầu tư vốn vào chương trình, dự án trọng điểm quốc gia hoặc chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư khác.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị các điều 28, 29 và 30, 31, cần làm rõ nội dung cốt lõi về đầu tư vốn của doanh nghiệp hơn là quy định thẩm quyền tại các điều này tránh trùng lặp với các quy định về thẩm quyền đầu tư đã nêu tại các điều khác.

Đảm bảo tính thống nhất trong hiệu lực thi hành

Về giải thể doanh nghiệp, đại biểu cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rất rõ về các trường hợp, điều kiện giải thể doanh nghiệp, trình tự, thủ tục, hồ sơ giải thể doanh nghiệp… Liên quan đến Điều 38, đại biểu nhận xét rằng, so với Luật Doanh nghiệp 2020, dự thảo bổ sung một số trường hợp và điều kiện về giải thể doanh nghiệp nhưng chưa làm rõ điều nào áp dụng theo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước, điều nào áp dụng theo Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể để đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực thi hành.

 Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Cuối cùng, đại biểu nhấn mạnh dự án luật có tác động lớn đến nguồn vốn đầu tư công, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và phát triển nền kinh tế, do đó, cần rà soát kỹ, quy định chặt chẽ đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân.

Quang Đức - Trần Nhung

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/dam-bao-hieu-luc-hieu-qua-dau-tu-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-post278285.html
Zalo