Đảm bảo hàng hóa cung cấp cho các tỉnh phía Bắc

Chiều 12-9, những chuyến xe chở hàng từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp tục nối đuôi nhau thẳng tiến ra Bắc. Cùng với đó, các siêu thị cho biết, mặc dù ảnh hưởng bởi thời tiết và điều kiện hạ tầng bị tàn phá sau bão lũ, nhưng các siêu thị vẫn nỗ lực cung ứng đủ hàng hóa với giá tốt cho bà con.

 Các chuyến hàng rau củ quả của Saigon Co.op tại kho hàng thuộc tỉnh Bình Dương chuẩn bị cung ứng cho các tỉnh miền Bắc, tối 12-9 Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các chuyến hàng rau củ quả của Saigon Co.op tại kho hàng thuộc tỉnh Bình Dương chuẩn bị cung ứng cho các tỉnh miền Bắc, tối 12-9 Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hàng ngàn tấn rau củ... xuất bến

Chiều muộn, nhân viên kiểm hóa tại trạm trung chuyển trực thuộc MM Mega Market khu vực Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn tất bật làm việc cho kịp chuyến hàng rau củ quả ra miền Bắc. Anh Võ Văn Tuấn, Quản lý thu mua và logistics, chia sẻ: “Vài ngày nay, lượng tiêu thụ rau xanh tăng gấp 6 lần. Mưa lũ, bà con thiếu hụt đủ thứ, nên chúng tôi tích cực làm thêm giờ, mong góp sức mình để hỗ trợ đưa hàng nhanh nhất đến tay người tiêu dùng”. Số liệu chưa đầy đủ từ hệ thống MM Mega Market và các hệ thống bán lẻ khác, hiện mỗi ngày có tới hàng ngàn tấn rau củ quả từ khu vực miền Nam nối đuôi nhau đổ về các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang… Đây là những chuyến hàng tăng cường cho nguồn cung bị thiếu hụt tạm thời do mưa lũ của các tỉnh phía Bắc.

Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc Thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung - AEON Việt Nam, thông tin, để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa, đơn vị luôn chủ động lên kế hoạch, làm việc với các nhà cung cấp. Các trung tâm thương mại, siêu thị AEON khu vực phía Bắc đã nâng lượng hàng hóa lên gấp 2-3 lần ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Riêng mặt hàng rau củ quả, AEON Việt Nam đã làm việc với nhà cung cấp, vận chuyển gần chục tấn mỗi ngày từ Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai... ra Bắc.

Hiện tại, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng đã tăng lượng hàng dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường. Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) đang trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên được chia ca kíp, tăng ca làm việc để trung tâm hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Rau ăn lá, trái cây là những mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất do bão, lũ nên Saigon Co.op đã tăng cường từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.

 Nhân viên kho hàng Saigon Co.op thuộc tỉnh Bình Dương chuẩn bị túi đựng hàng hóa cung ứng cho các tỉnh miền Bắc. Ảnh: KHÁNH HOÀNG

Nhân viên kho hàng Saigon Co.op thuộc tỉnh Bình Dương chuẩn bị túi đựng hàng hóa cung ứng cho các tỉnh miền Bắc. Ảnh: KHÁNH HOÀNG

Saigon Co.op đã đặt hơn 200 tấn, bao gồm rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, xà lách, ớt chuông, bầu, bí, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, dưa lưới, cam… từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh và sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc. Co.opmart (thuộc Saigon Co.op) hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát, đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của hai bên.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho hay, hệ thống có 5 trạm thu mua và cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 kho giao hàng B2B (depot). Chính vì vậy, trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến một tháng cho khu vực miền Bắc.

Không lo thiếu hàng

Nhận định chung từ các nhà cung cấp hàng hóa, các hệ thống bán lẻ hiện đại, những đơn vị này luôn tối ưu hóa sử dụng các phương tiện, từ đường bộ đến hàng không, để kịp thời vận chuyển hàng hóa mỗi ngày đến các tỉnh thành miền Bắc. Hiện tại, do ảnh hưởng của mưa lũ, các tuyến đường tại khu vực phía Bắc gặp khó khăn nên thời gian vận chuyển kéo dài hơn dự tính. Tuy vậy, doanh nghiệp cam kết sẽ đưa hàng đến tận tay khách mua, với chính sách ổn định, giá tốt, nhiều chương trình ưu đãi từ 10%-50%, tùy mặt hàng.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cộng đồng doanh nghiệp ngành thực phẩm TPHCM sẵn sàng tăng ca, tăng cường sản xuất, đưa lương thực thực phẩm ra miền Bắc để kịp thời bổ sung nguồn hàng bị thiếu hụt, ổn định giá thị trường. Hiện tại, FFA cũng đã làm việc với các đơn vị sản xuất chủ lực nhằm đánh giá tình hình và tăng cường sản xuất cung ứng hàng hóa cho khu vực phía Bắc trong trường hợp nguồn cung gián đoạn tạm thời.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, thông tin, nguồn cung cho thị trường phía Bắc khá dồi dào. Nhà máy sản xuất của Vissan tại Bắc Ninh luôn sẵn sàng tăng ca; chi nhánh tại Hà Nội (quản lý hơn 110 nhà phân phối ở các tỉnh thành) đang hoạt động ổn định. Thêm nữa, Vissan luôn duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10-20 ngày liên tiếp, nên không sợ thiếu hụt nguồn hàng.

Hàng ngàn tấn rau củ quả, thực phẩm các loại của những hệ thống phân phối cấp tập từ phía Nam liên tục đi xuyên đêm đến với bà con miền Bắc, chưa kể các nhà máy giết mổ, cung ứng thực phẩm tại nhiều khu vực khác trên cả nước cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng tăng ca, tung hàng ra thị trường… Nguồn hàng bổ sung khá dồi dào, người dân không lo tình trạng khan hàng, “sốt giá”.

THI HỒNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dam-bao-hang-hoa-cung-cap-cho-cac-tinh-phia-bac-post758662.html
Zalo