Đảm bảo đời sống cho người dân sau tái định cư
Trận lũ quét và sạt lở đất đầu tháng 9 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến hàng trăm hecta đất canh tác của người dân bị vùi lấp, sạt lở. Bên cạnh việc khẩn trương đầu tư xây dựng các khu tái thiết, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đang nỗ lực tập trung đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.
Cánh đồng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên 3 tháng sau lũ vẫn ngổn ngang; lớp bùn đất dày có nơi lên đến 5 - 6 m khiến việc khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn. Chị Hoàng Thị Thương ở thôn Làng Nủ cho biết khu ruộng của gia đình đã bị vùi lấp hết, chẳng biết bao giờ mới trồng cấy lại như trước; đồi quế cũng phải mất một thời gian nữa mới khai thác được. Sau khi ổn định nhà cửa, chắc chị phải tìm thêm việc gì làm để có thêm thu nhập.
Tại thôn Nậm Tông, thu nhập chính của người dân những năm qua phụ thuộc vào cây quế. Mưa lớn gây sạt lở đất cách đây 3 tháng đã khiến nhiều diện tích quế chưa kịp thu hoạch bị thiệt hại nặng. Anh Ma Seo Giáo cho biết nhà anh mất hơn 3.000 cây quế 4 - 5 năm tuổi, 2 thửa ruộng cũng bị sạt lở, vùi lấp. Mấy ngày qua, anh đã nhờ nhiều người thân đến phụ giúp, tìm cách khôi phục nhưng đất, đá quá nhiều, sức người làm không xuể, tiền thuê máy xúc san gạt lại tốn kém nên sẽ phải mất nhiều thời gian mới cải tạo lại được như trước đây.
Anh Lý A Chểnh ở thôn Nậm Tông cũng lo lắng bởi gia đình có hơn 8.000 cây quế thì đã bị sạt lở, vùi lấp mất hơn 3.000 cây, thu nhập thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng một phần. Anh Chểnh dự định sau khi vào nhà mới, ổn định cuộc sống sẽ tìm một công việc làm thuê thời vụ ở Lào Cai để có thêm thu nhập, mong muốn của anh là tìm được việc gần nhà để còn lo cho gia đình.
Thời gian qua, cùng với khẩn trương chăm lo chỗ ở cho người dân bị mất nhà do ảnh hưởng bởi thiên tai, các địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ bà con từng bước ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu (Bắc Hà) cho biết: Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, chính quyền địa phương đã rà soát, thống kê thiệt hại của bà con và đề nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ. Hiện nguồn kinh phí hỗ trợ cây trồng, hoa màu, vật nuôi đã được cấp về xã và sẽ chuyển cho bà con trong nay mai. Về lâu dài, xã cũng vận động bà con cố gắng khôi phục, cải tạo lại một số diện tích đã bị vùi lấp để trồng quế hoặc cây trồng khác phù hợp.
Bà Trương Thị Hào, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Nậm Lúc (Bắc Hà) cho biết xã đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi bà con vào nhà mới, ổn định cuộc sống sẽ hỗ trợ cây, con giống để tạo sinh kế cho bà con. Về lâu dài, những hộ có nhu cầu đào tạo nghề hay đi làm tại các khu công nghiệp, xã sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện kết nối, hỗ trợ bà con.
Tại cánh đồng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Bảo Yên, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tìm giải pháp khôi phục một phần ruộng bị vùi lấp, vận động bà con trồng rau, hoa màu vụ đông. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang phối hợp với UBND xã Phúc Khánh vận động một số hộ dân triển khai mô hình nuôi cá tầm, đây là mô hình đã có hộ dân nuôi thành công trước khi xảy ra sạt lở đất.
Một hướng đi được xem là có tính bền vững hơn đó là tới đây trung tâm sẽ khảo sát, tham mưu huyện tìm phương án cải tạo cánh đồng bị vùi lấp, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân trồng loại cây phù hợp với điều kiện đất đai ở đây.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết: Chúng tôi đang dự kiến vận động bà con trồng cây dâu tằm - một trong những cây trồng chủ lực đang được huyện khuyến khích phát triển, gắn với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Mô hình này phù hợp với tập quán canh tác sinh hoạt của đồng bào Tày, tương lai có thể gắn với du lịch cộng đồng ở khu tái thiết.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo vừa khảo sát cánh đồng bị lũ quét vùi lấp ở Làng Nủ cho biết khu vực này hoàn toàn có thể cải tạo, trồng cây dâu tằm. Ông Huy cũng cho rằng với chất đất pha cát và nhiều đá như hiện nay thì cải tạo lại để trồng dâu tằm sẽ đỡ tốn công sức hơn rất nhiều so với cải tạo thành cánh đồng lúa như xưa. Hơn nữa, trồng cây dâu tằm gắn về nghề nuôi tằm, ươm tơ sẽ tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho bà con. Ông Huy chia sẻ đầy hy vọng: "Cơn lũ dữ đã lấy đi của Làng Nủ rất nhiều người thì nghề trồng dâu nuôi tằm này sẽ tạo thêm nhiều việc làm và đưa người dân khắp nơi đến với Làng Nủ"...
Giờ đây, tại khu tái định cư: Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng, phía sau mỗi căn nhà có một vườn rau xanh được dựng lên với nhiều thứ rau. Giấc mơ an cư của người dân vùng lũ đã trở thành hiện thực và cuộc sống tại nơi ở mới sẽ càng thêm hạnh phúc khi bà con được hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo dựng sinh kế bền vững, giúp họ an tâm gắn bó lâu dài với ngôi nhà mới.