Đảm bảo cung ứng kịp thời hàng hóa trong mùa mưa bão

Dự trữ hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa bão, lũ lụt… để kịp thời cung ứng phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), ổn định tâm lý người dân và bình ổn thị trường; không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai găm hàng, tăng giá trục lợi gây thiệt hại, bất ổn đời sống.

Cung ứng lương thực, thực phẩm tại chợ Liễu Đề, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Cung ứng lương thực, thực phẩm tại chợ Liễu Đề, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Trước mùa mưa bão, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khảo sát nhu cầu tiêu dùng, xác định những địa bàn có nguy cơ thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, trong đó đặc biệt quan tâm đến các xã thuộc khu vực biên giới biển, khu vực ven sông lớn dễ bị chia cắt kéo dài… để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa kịp thời, hiệu quả. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt việc dự trữ đúng theo danh mục, đảm bảo chất lượng, số lượng, chủng loại và bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện vận chuyển hàng hóa luân chuyển khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Hiện nay hàng hóa dự trữ PCTT và TKCN đã được các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, cung ứng chuẩn bị đầy đủ theo kế hoạch. Trong đó lương thực, thực phẩm được 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Cổ phần Lương thực Nam Định (thành phố Nam Định), Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) và Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) đảm bảo dự trữ, cung ứng khoảng 900 tấn gạo. Các siêu thị như Siêu thị Go!, CountryMart, Siêu thị Lan Chi, Siêu thị The City, Công ty TNHH Nam Sơn, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Mai Phương, Công ty TNHH Huy Hùng Nam Định… chuẩn bị phương án dự trữ các loại thực phẩm. Tổng lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ và lưu thông trên địa bàn tỉnh khoảng 70 nghìn thùng mỳ ăn liền, 6.700 thùng nước uống đóng chai, 5.000 thùng lương khô, bánh các loại… Đối với mặt hàng xăng dầu phục vụ sản xuất và việc đi lại của người dân, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An, Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Nam Định và các thương nhân phân phối cùng 290 cửa hàng bán lẻ đã chủ động bám sát nguồn hàng, dự trữ tại chỗ và cung ứng hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đủ chất lượng, số lượng, chủng loại và đúng kế hoạch không để gián đoạn nguồn cung. Các mặt hàng khác như vật liệu xây dựng với các sản phẩm như tấm lợp tôn, đinh vít, dây thép… được các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng duy trì số lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, dự trữ hàng hóa PCTT và TKCN, không để thiếu hàng, ổn định giá cả và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đại diện Siêu thị Go! cho biết: Là đơn vị kinh doanh tổng hợp cả lương thực, thực phẩm và đồ chế biến sẵn và các mặt hàng thiết yếu nên siêu thị luôn chủ động làm việc với các đối tác để có nguồn hàng hóa dự trữ phong phú, đa dạng và đảm bảo chất lượng. Siêu thị cũng sẵn sàng nâng cao năng suất cung ứng các suất ăn nhanh, bún phở, bánh ngọt…; chủ động lực lượng, phương tiện để đảm bảo cung ứng hàng hóa đến tận nơi bị chia cắt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập toàn bộ hệ thống kho chứa hàng hóa; chuẩn bị các phương tiện vận tải, thiết bị... để kịp thời sửa chữa, bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ hàng hóa, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Đồng thời, định hướng cho các siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động nắm bắt diễn biến mưa bão, những khu vực dễ bị chia cắt, đặc biệt là khu vực hay xảy ra ngập úng, bị chia cắt cục bộ trong mùa mưa lũ; sẵn sàng tăng số lượng và phân luồng cung ứng hợp lý lượng hàng dự trữ trong kho, hoặc tại hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm tươi sống như: Gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau, củ, quả; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng, thực hiện phương án tổ chức vận chuyển lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, bảo đảm thông suốt và an toàn, không để xảy ra đứt gãy nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời rà soát nguồn cung, thống kê số lượng hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động phương án đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến. Trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, kịp thời báo cáo về Sở Công Thương để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp điều tiết kịp thời hàng hóa, ổn định thị trường.

Với sự chủ động của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, đại lý… các loại hàng hóa thiết yếu được dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần PCTT và TKCN có hiệu quả, ổn định tình hình an ninh trật tự, giúp người dân vùng bị ảnh hưởng do thiên tai sớm khắc phục khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/dam-bao-cung-ung-kip-thoi-hang-hoa-trong-mua-mua-bao-9ce324f/
Zalo