Đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, chung tay cùng cả nước hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Đại diện Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) giám sát tình hình triển khai dự án "Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS" do AHF tài trợ tại phòng khám ngoại trú điều trị ARV, Trung tâm Y tế Cao Lộc (tháng 11/2024)

Đại diện Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) giám sát tình hình triển khai dự án "Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS" do AHF tài trợ tại phòng khám ngoại trú điều trị ARV, Trung tâm Y tế Cao Lộc (tháng 11/2024)

Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được hiểu là việc đảm bảo các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, Lạng Sơn cũng tồn tại không ít “rào cản” khiến người dân khó tiếp cận với các dịch vụ y tế liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS như: khoảng cách địa lý; điều kiện kinh tế; nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV…

Bà Hoàng Thị Đặng, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khi người nhiễm HIV/AIDS sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử sẽ có xu hướng giấu tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không hợp tác trong phòng chống HIV/AIDS. Do đó, những năm qua, chúng tôi đã tích cực tham mưu lãnh đạo đơn vị tăng cường truyền thông với hình thức đa dạng để nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng thời, duy trì phát triển mạng lưới quản lý, chăm sóc, điều trị, giúp người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ.

Theo đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép trong các sự kiện, hội nghị, hội thảo, cuộc họp, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi… Nội dung truyền thông tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS; lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; giới thiệu các cơ sở, dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn để người dân, đặc biệt là những người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận.

Bình quân mỗi năm, Sở Y tế đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức hơn 4.000 cuộc truyền thông trực tiếp cho trên 100.000 lượt người tham gia. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 6.195 cuộc truyền thông trực tiếp (tăng 1.864 cuộc so với cùng kỳ năm 2023) cho trên 125.000 lượt người.

Cùng với truyền thông trực tiếp, các cơ sở y tế còn truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để đa dạng hóa phương thức truyền thông phù hợp với tình hình mới. Bình quân mỗi năm, các cơ sở y tế cập nhật hơn 100 bài viết tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm, chia sẻ.

Chị H.T.H, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc chia sẻ: Tôi phát hiện ra mình nhiễm HIV từ năm 2004. Thời gian đầu, tôi rất mặc cảm, luôn sợ mọi người biết bệnh, xa lánh mình. Qua báo, đài tuyên truyền và những năm gần đây là mạng xã hội, tôi hiểu rõ hơn về căn bệnh HIV/AIDS nên đã tuân thủ điều trị và tuyên truyền cho nhiều người cùng hiểu.

Cán bộ Phòng khám ngoại trú điều trị ARV, Trung tâm Y tế Cao Lộc tư vấn, điều trị cho người dân

Cán bộ Phòng khám ngoại trú điều trị ARV, Trung tâm Y tế Cao Lộc tư vấn, điều trị cho người dân

Đưa dịch vụ đến với cộng đồng

Cùng với truyền thông, ngành y tế tỉnh đã mở rộng mạng lưới điều trị, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS như: dự phòng lây nhiễm HIV; xét nghiệm, điều trị sớm HIV/AIDS; đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của người nhiễm HIV để giảm áp lực kinh tế trong quá trình điều trị.

Để dự phòng lây nhiễm, ngành y tế tỉnh đã tăng cường tư vấn, hướng dẫn người dân, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhất là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Bình quân mỗi năm, các cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm HIV được trên 20.000 người. Từ đầu năm 2024 đến nay có 24.164 người được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện 28 mẫu dương tính với HIV. Sau khi xét nghiệm HIV/AIDS, ngành y tế đã lập danh sách quản lý và điều trị sớm bằng thuốc ARV cho các trường hợp có kết quả dương tính. Tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 951 người dương tính với HIV/AIDS được đưa vào quản lý (tăng 14 người so với cùng kỳ năm 2023) ở 157/200 xã, phường, thị trấn.

Song song với dự phòng lây nhiễm, hoạt động quản lý, chăm sóc, tư vấn người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng được duy trì thực hiện tốt với 936/951 bệnh nhân quản lý được tư vấn, chăm sóc tại nhà và cộng đồng, đạt 98,4%; 6/6 phòng khám ngoại trú điều trị ARV được quan tâm đảm bảo nhân lực, thuốc, vật tư y tế để nâng cao hiệu quả tư vấn, điều trị. Đến nay, toàn tỉnh có 826/951 người đang điều trị ARV, đạt 86,8%.

Để xóa bỏ rào cản về kinh tế, giúp người nhiễm HIV được sử dụng đầy đủ các dịch vụ tư vấn, điều trị, cơ sở điều trị HIV/AIDS thường xuyên rà soát danh sách người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT đang điều trị bằng thuốc kháng HIV tại cơ sở gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp gửi Sở Y tế để phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đối chiếu, rà soát cấp thẻ BHYT. Đến nay, 99,4% bệnh nhân trên địa bàn có thẻ BHYT.

Y sĩ Nông Tuấn Anh, phụ trách chương trình HIV/AIDS, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Tràng Định cho biết: Mỗi năm, trung tâm thực hiện xét nghiệm HIV cho khoảng 600 người. Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã lấy 495 mẫu xét nghiệm của phụ nữ mang thai, đối tượng có nguy cơ cao. Đến nay, chúng tôi lập danh sách quản lý là 58 người, trong đó đang điều trị tại trung tâm là 36 người; 100% bệnh nhân có thẻ BHYT.

Với sự nỗ lực của ngành y tế, người nhiễm HIV trên địa bàn được đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị với tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế đạt trên 96%, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dam-bao-cong-bang-binh-dang-trong-tiep-can-dich-vu-phong-chong-hiv-aids-5029892.html
Zalo