Đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới

Năm học 2024 - 2025 đang đến gần. Đây cũng là thời điểm các ngành và các địa phương trong tỉnh tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ năm học mới.

Giai đoạn 2021 - 2025, để đảm bảo cơ sở vật chất theo Thông tư số 13 ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, toàn tỉnh cần đầu tư bổ sung 1.926 phòng học, phòng học bộ môn; 52 nhà hiệu bộ, phòng chức năng; 26 nhà văn hóa dân tộc; 27 nhà kho; 1.186 phòng ở học sinh bán trú, phòng ở công vụ giáo viên có nhà vệ sinh khép kín; 77 nhà ăn, nhà bếp; 65 công trình vệ sinh riêng lẻ; 21 nhà đa năng. UBND tỉnh đã ưu tiên nhiều nguồn lực (3.452,56 tỷ đồng, với 255 danh mục công trình) để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tính đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 157/255 công trình (đạt 61,57% kế hoạch) với 1.053 phòng học, phòng học bộ môn; 24 nhà hiệu bộ, nhà chức năng; 15 nhà văn hóa dân tộc; 6 nhà kho; 567 phòng ở công vụ giáo viên và phòng ở học sinh bán trú; 7 nhà bếp và nhà ăn; 34 công trình vệ sinh; 5 nhà đa năng.

Đối với mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu mầm non, phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2027, tổng nhu cầu vốn là 849,254 tỷ đồng, trong đó tỉnh đã bố trí 403,930 tỷ đồng, đạt 47,56% tổng nhu cầu vốn; giá trị giải ngân đến nay đạt 209,962 tỷ đồng, bằng 51,98% vốn thực tế giao. Riêng năm 2024, kinh phí được giao là 153,397 tỷ đồng. Hiện có 1 đơn vị hoàn thành mua sắm, nghiệm thu bàn giao thiết bị (huyện Mường Khương); 1 đơn vị ký hợp đồng mua sắm với đơn vị cung ứng (huyện Bảo Thắng); 2 đơn vị đã đăng tại hồ sơ mời thầu, chấm thầu (thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát); 6 đơn vị đang tiến hành thẩm định giá và lập hồ sơ mời thầu (các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà, Si Ma Cai, thành phố Lào Cai, Sở Giáo dục và Đào tạo); 1 đơn vị đang rà soát, xây dựng danh mục đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Sa Pa).

Theo ông Cao Thanh Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở Giáo dục và Đào tạo), UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu cho tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm thiết bị dạy học...

“Cơ sở vật chất trường, lớp học đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học mới 2024 - 2025. Cụ thể, tỷ lệ phòng học/lớp học cao (đạt gần 1 phòng/lớp học, toàn quốc trung bình 0,83 phòng học/lớp), cơ bản đảm bảo học 2 buổi/ngày. Môi trường giáo dục, cảnh quan trường, lớp xanh - sạch - đẹp” - ông Cao Thanh Hải khẳng định.

Để có được cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học mới 2024 - 2025, tỉnh Lào Cai phải giải quyết nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm thiết bị dạy học lớn, trong khi ngân sách tỉnh hạn hẹp, huy động nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt ở vùng cao rất khó khăn; trung ương không có cơ chế đặc thù hỗ trợ ngân sách cho các tỉnh miền núi, vùng cao khó khăn.

Việc mở rộng diện tích đất cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở các phường thuộc thành phố Lào Cai, trung tâm các huyện và một số xã vùng cao, nhất là ở thị xã Sa Pa rất khó khăn vì không có quỹ đất dự phòng, hoặc do địa hình hiểm trở… Một số cơ sở giáo dục do diện tích đất chật hẹp, địa hình phức tạp gây khó khăn trong việc bố trí mặt bằng xây dựng; kinh phí san gạt, đền bù giải phóng mặt bằng lớn dẫn đến tiến độ đầu tư xây dựng một công trình chưa đảm bảo theo kế hoạch.

Một số phòng học trước đây được xây dựng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 với thiết kế diện tích phòng học tiểu học 43,2 m2/phòng, trung học 54 m2/phòng. Do vậy, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được học theo phương pháp mới và trao đổi, thảo luận nhóm, đòi hỏi diện tích phòng học lớn hơn, dẫn đến rất khó khăn để thực hiện các hoạt động giáo dục trên lớp. Tuy nhiên, với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên các nguồn lực để đầu tư, giúp các cơ sở giáo dục trong tỉnh có cơ sở vật chất đảm bảo, đáp ứng yêu cầu đổi mới cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.

Vũ Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dam-bao-co-so-vat-chat-cho-nam-hoc-moi-post389082.html
Zalo