Đảm bảo chất lượng, số lượng cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn
Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp các ngành, đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, chủ động rà soát, sắp xếp và tinh giản biên chế, chuyển chức danh nghề nghiệp đảm bảo cơ bản số lượng, chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu dạy học. Đồng thời tạo mọi điều kiện cử giáo viên, cán bộ quản lý học tập, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục.
Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về khắc phục việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên và thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế xét chuyển công tác giao quyền cho địa phương chủ động sắp xếp, điều chuyển giáo viên thừa, thiếu nhằm đảm bảo đủ giáo viên để giảng dạy trong năm học, tránh thừa, thiếu cục bộ. Đối với những trường hợp các huyện, thành phố thừa giáo viên, không sắp xếp được sẽ tổng hợp báo cáo về Sở GD&ĐT để xin chủ trương điều động sang huyện khác. Thông qua việc chủ động rà soát, tuyển dụng, điều động, việc bố trí giáo viên dạy các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại các cơ sở giáo dục cơ bản đủ và có lộ trình bổ sung. Theo thống kê, trình độ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh theo quy định đối với ngành học giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông, cấp Tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên đạt chuẩn trở lên đều cao hơn so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT nghiên cứu, triển khai, thực hiện sớm việc chuyển chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Kết quả đã phối hợp thực hiện thủ tục các bước theo quy định và chuyển chức danh nghề nghiệp hạng III, II cho hơn 14.000 giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS. Ngoài ra, Sở GD&ĐT phối hợp UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phù hợp với thực tế địa phương để thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo; cập nhật, tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trong năm học 2023 - 2024, tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vi phạm đạo đức nhà giáo ở mức độ nghiêm trọng. Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số hạn chế như: việc tuyển dụng giáo viên không đủ chỉ tiêu do thiếu nguồn tuyển dụng; các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại các cơ sở giáo dục. Giáo viên xin thôi việc đột xuất, xin chuyển công tác nhiều, dẫn đến thiếu giáo viên cục bộ. Hiện nay, toàn tỉnh còn 1.073 trường hợp giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS chưa được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng II, III, IV. Nguyên nhân do chưa đủ chuẩn trình độ đào tạo, chưa đủ thời gian công tác. Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp chưa tổ chức thăng hạng cho giáo viên vì các đơn vị mới hoàn thành thực hiện chuyển chức danh nghề nghiệp theo các Thông tư của Bộ GD&ĐT trong tháng 3/2024.
Dự kiến năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định. Đồng thời thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT đúng quy định, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn quy định; triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn và bồi dưỡng thay sách giáo khoa cho nhà giáo và cán bộ quản lý. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường sắp xếp, bố trí, cử giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các lớp đào tạo nâng trình độ chuẩn theo kế hoạch của UBND tỉnh để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.