Đảm bảo cân đối đủ nguồn chi trả cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi

Khi thực hiện chế độ chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ cho người lao động trong diện sắp xếp thì nguồn kinh phí chi trả cho những người sẽ nghỉ sau khi thực hiện sắp xếp còn thấp hơn kinh phí để trả cho những người đó tiếp tục làm việc trong 5 năm. Như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo cân đối đủ nguồn kinh phí thực hiện.

Đây là khẳng định của Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra chiều 5/2.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh trả lời tại cuộc họp báo

Tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sẽ giảm sau khi hợp nhất, tinh gọn bộ máy và nguồn hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động.

Theo ông Vũ Đăng Minh, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (Nghị định 178) về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định 178.

Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Chính phủ có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quy định các tiêu chí, điều kiện cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng bộ ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, căn cứ các tiêu chí đánh giá 3 năm gần nhất để lựa chọn những người tiếp tục giữ lại công tác, những người đưa vào diện sắp xếp để có phương án và lộ trình tính toán cho phù hợp.

Theo đó, bảo đảm nguyên tắc rõ việc, rõ người, rõ sản phẩm. Nếu không chứng minh được rõ ở vị trí đó làm việc gì, sản phẩm gì, khối lượng trong 1 năm làm được những gì thì thuộc diện đưa vào danh sách, đại diện Bộ Nội vụ cho hay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo.

Đến nay, cơ cấu, tổ chức bộ máy sau sắp xếp đã có số lượng rất cụ thể. Riêng về con người, theo ông Vũ Đăng Minh, việc tính toán từng người vào vị trí nào phải chờ sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu của Chính phủ, lúc đó Chính phủ mới ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ và cơ quan ngang bộ. Bộ không thuộc diện sắp xếp, cùng với bộ thuộc diện hợp nhất, sắp xếp đều phải ban hành Nghị định mới để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới.

Ngày 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và thống nhất cao với các phương án của Chính phủ về cơ cấu của Chính phủ, cơ cấu nhân sự và 2 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các nội dung này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 tới đây.

Hiện tại, Bộ Nội vụ đang cùng Bộ Tài chính xây dựng Thông tư theo quy định tại Điều 16, Điều 21 của Nghị định 178. Trong đó, quy định Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng Thông tư hướng dẫn nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí.

Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ và đang hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư này làm cơ sở thực hiện sắp xếp. Với cơ sở pháp lý như vậy, Đề án sắp xếp sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua có thể vận hành được ngay.

Với câu hỏi về việc có đủ nguồn hay không, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, khi xây dựng dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ và Ban Đề án đã xin ý kiến Ban chỉ đạo Trung ương và trực tiếp xin Tổng Bí thư cho ý kiến về các phương án. Trong đó, nguồn kinh phí thực hiện là nội dung rất được quan tâm.

Thực tế, kết quả đánh giá tác động cho thấy, nếu thực hiện theo phương án tinh giản này thì nguồn kinh phí chi trả cho những người sẽ nghỉ sau khi thực hiện sắp xếp còn thấp hơn kinh phí để trả cho những người đó tiếp tục làm việc trong 5 năm. "Như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo cân đối đủ nguồn kinh phí thực hiện" - ông Vũ Đăng Minh cho hay./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dam-bao-can-doi-du-nguon-chi-tra-cho-cac-truong-hop-nghi-huu-truoc-tuoi-169846.html
Zalo