Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa bão

Triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Hồ Nà Tằm, xã Cao Sơn (Đà Bắc) sau khi xử lý sự cố hố xói tại mái đập cần có phương án xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn.

Hồ Nà Tằm, xã Cao Sơn (Đà Bắc) sau khi xử lý sự cố hố xói tại mái đập cần có phương án xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn.

Chiều 26/7, công trình hồ Nà Tằm ở xã Cao Sơn (Đà Bắc) xảy ra sụt lún mái đập với đường kính khoảng 40 cm, nước chảy mạnh kéo theo đất, đá. Đến chiều tối cùng ngày vị trí hố xói tiếp tục mở rộng với diện tích 10 - 15 m2. Ngay khi sự cố sụt lún mái đập công trình hồ Nà Tằm xảy ra, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Đà Bắc huy động lực lượng dân quân tự vệ triển khai các phương án xử lý sự cố. Đến 2h ngày 27/7, sự cố hố sụt tạm thời được xử lý. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm mưa bão, để đảm bảo an toàn công trình này cần tiếp tục được gia cố, sửa chữa.

Ngoài hồ Nà Tằm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều đập, hồ chứa thủy lợi xuống cấp và nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Theo thống kê, toàn tỉnh có 544 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập có 49 hồ đập lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ đập loại nhỏ.

Đồng chí Bùi Thanh Hải, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình cho biết: Hiện nay, công ty quản lý 512 đập, hồ chứa thủy lợi các loại. Theo rà soát, thống kê đánh giá, hiện có 105 công trình hư hỏng cần sửa chữa; 83 công trình có nguy cơ mất an toàn. Từ ngân sách Trung ương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023, công ty đã tiến hành sửa chữa khắc phục 2 công trình. Từ các nguồn khác đã sửa chữa 17 công trình hồ chứa. Hiện tiếp tục thi công sửa chữa hơn 10 công trình hư hỏng, xuống cấp.

Theo đánh giá của ngành NN&PTNT, các công trình hồ chứa, bai, đập trên địa bàn tỉnh có chức năng phục vụ đa mục tiêu, không chỉ tưới tiêu, cấp nước thô sinh hoạt, phát điện mà còn tham gia điều tiết nước chống úng lụt trong mùa mưa bão. Tuy nhiên hiện nay, tại nhiều hồ chứa, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế. Một số nơi khi có mưa lớn đường giao thông thường bị ngập sâu, chia cắt. Nhiều công trình hồ chứa chưa có cầu công tác (công nhân quản lý thủy nông phải dùng thuyền hoặc bơi để vận hành), không có nhà quản lý công trình, đường quản lý vận hành kết hợp cứu hộ, cứu nạn chưa được kiên cố, do vậy công tác quản lý vận hành, trực lũ bão, ứng phó tình huống thiên tai gặp nhiều khó khăn. Chưa lắp đặt các thiết bị đo mưa phục vụ công tác quản lý vận hành, dự báo nguồn nước; lắp đặt hệ thống cảnh báo chuyên dùng để theo dõi, giám sát tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, lũ lụt.

Từ việc đánh giá thực trạng an toàn đập, hồ chứa, Sở NN&PTNT đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và UBND các huyện, thành phố triển khai các giải pháp sửa chữa cho từng công trình trước mùa mưa bão, đồng thời kiểm tra, rà soát các công trình trong những ngày mưa lũ. Sở cũng đề nghị các đơn vị, địa phương xây dựng phương án, bố trí ổn định dân cư và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai cao, khẩn cấp ứng phó với các tình huống nguy cấp có thể xảy ra như vỡ đập, xả lũ với lưu lượng lớn, tháo nước hồ gây sạt lở bờ sông, suối, lũ ống, lũ quét, ngập úng... nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/192181/dam-bao-an-toan-ho-dap-mua-mua-bao.htm
Zalo