Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ứng phó với mưa lũ sau bão

Ngày 8/9/2024, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có Văn bản số 53/BCH - VP về việc ứng phó với mưa lũ do bão số 3 để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, gửi: Sở Giao thông Vận tải; Công an tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT; Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố.

Gia cố mái đê Hữu Đáy, xã Hùng Tiến (Kim Sơn) để ứng phó với bão số 3. Ảnh: Anh Tuấn

Gia cố mái đê Hữu Đáy, xã Hùng Tiến (Kim Sơn) để ứng phó với bão số 3. Ảnh: Anh Tuấn

Theo tin cảnh báo lũ trên các sông của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, hiện nay, mực nước trên sông Hoàng Long đang lên nhanh, sông Đáy lên chậm. Lúc 13h ngày 8/9/2024: Mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế ở mức 3,55m (dưới báo động 3: 0,45m); sông Đáy tại Ninh Bình 2,16m (dưới báo động 1: 0,34m). Mực nước trên sông Hoàng Long, sông Đáy tiếp tục lên.

Cảnh báo: Do ảnh hưởng của mưa bão số 3 nên từ ngày 8/9/2024 đến ngày 10/9/2024, trên các sông thuộc tỉnh Ninh Bình có xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu ở mức báo động 3; sông Đáy tại Ninh Bình ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Thực hiện Văn bản số 890/ĐĐ-QLĐĐ ngày 8/9/2024 của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với mưa lũ do bão số 3 để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các trọng điểm xung yếu, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/01/2009 để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.

Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, mực nước lũ trên các triền sông và tình hình đê điều, báo cáo và đề xuất kịp thời các phương án xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp báo cáo và phối hợp chỉ đạo thực hiện.

P.V

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-an-toan-he-thong-de-dieu-ung-pho-voi-mua-lu-sau-bao/d20240908180825248.htm
Zalo