Đảm bảo an toàn đón học sinh trở lại trường
Những ngày qua, các địa phương đã huy động các lực lượng tổ chức dọn dẹp vệ sinh, tu sửa trường lớp, đặc biệt là khử khuẩn vệ sinh khu ở nội trú, bán trú, bếp ăn đối với các trường bị ngập nước… để đảm bảo an toàn trước khi tổ chức đón học sinh đi học trở lại từ ngày 16/9.
Tiếp sức đồng bào vùng lũ
Trong thời gian khắc phục cơn bão số 3, nhiều tỉnh, thành đã ban hành văn bản về việc dừng các hoạt động tổ chức Tết Trung thu năm 2024, vui chơi giải trí để tập trung cho công tác khắc phục hậu quả. Nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng cũng dừng việc tổ chức khai giảng để lấy kinh phí ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) thông báo sẽ không tổ chức lễ khai giảng vào sáng 27/9 như kế hoạch trước đó và sẽ dùng kinh phí tổ chức lễ khai giảng là 100 triệu đồng để ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Bên cạnh việc quyên góp, kêu gọi ủng hộ, hàng loạt các trường ĐH còn có những hành động, chính sách thiết thực để hỗ trợ kịp thời cho sinh viên của các địa phương. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế TPHCM triển khai các chương trình “Học bổng hỗ trợ” và chương trình “Giãn thời gian đóng học phí” với 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng để trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão. Ngoài ra, trường cũng cho giãn thời gian đóng học phí học kỳ đầu năm học 2024-2025 đến ngày 15/1/2025 để hỗ trợ sinh viên và gia đình các tỉnh thành bị lũ giảm bớt áp lực tài chính.
Nhiều trường ĐH khác cũng đang rà soát, thống kê và lập danh sách sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ để lên phương án hỗ trợ, cả về học tập lẫn tài chính. Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) đã hỗ trợ 46 triệu đồng cho sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã trích 500 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên để giúp những sinh viên ĐH chính quy có gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt...
Theo GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, thiên tai xảy ra vào đầu năm học mới, khi các gia đình vừa dành một khoản mua sắm áo quần, sách vở kèm theo các khoản đóng góp đầu năm cho con em mình. Nhưng mỗi giáo viên, phụ huynh và học sinh đều chung tay góp sức người, sức của để mong sẻ chia một phần với những khó khăn mà đồng bào vùng lũ đã và đang phải gánh chịu. Điều đáng quý là không chỉ những người đi làm, người có điều kiện vật chất đóng góp mà chính các em nhỏ, những đoàn viên, thanh niên… cũng góp sức mình để xoa dịu nỗi đau đồng bào miền Bắc đang gánh chịu.
Tuy nhiên, bài toán hỗ trợ đồng bào vùng lũ sẽ còn nhiều việc phải làm, không chỉ là nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo nơi ăn, chốn ở mà còn vô vàn những thiệt hại về người và của, nỗi đau buồn thương tiếc khi mất đi người thân cần được hỗ trợ kịp thời về mặt tâm lý… như các chuyên gia đã chỉ ra. Nhà trường và ngành Giáo dục với vai trò là ngôi nhà thứ 2 của mỗi học sinh cần thực sự sát sao, kịp thời quan tâm và giúp đỡ các em học sinh để không ai bị bỏ lại phía sau.
Không chủ quan trong phòng, tránh bão lũ
Thống kê tại Tuyên Quang, tất cả 456 trường học trên địa bàn phải nghỉ học từ ngày 7-11/9 để phòng, chống ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Đến ngày 13/9, toàn tỉnh còn 164/456 trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học do địa bàn một số nơi còn bị chia cắt; nhà trường tập trung vệ sinh trường, lớp; gia đình học sinh tập trung dọn dẹp, vệ sinh nhà ở sau lũ lụt.
Từ ngày 13/9, toàn tỉnh có 292/456 trường cho học sinh đi học trở lại. Dự kiến từ ngày 16/9, 455/456 trường cho học sinh đi học trở lại. Riêng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS, THPT Chiêm Hóa dự kiến cho học sinh đi học trở lại từ ngày 23/9 để sửa chữa, khắc phục hệ thống điện, nước, nhà bếp và kí túc xá của học sinh do bị ngập sâu dài ngày.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai thông tin, ngày 16/9 có 521 trường học tổ chức dạy học trở lại, 77 trường chưa tổ chức dạy học (chiếm 12,87%). Số trường học chưa thể tổ chức dạy học trở lại thuộc 3 huyện: Si Ma Cai, Bắc Hà và Bảo Yên do chưa đảm bảo an toàn, còn ngập nước, chia cắt về giao thông; chưa khắc phục xong hậu quả sau bão…
Hiện tại, ngành giáo dục và đào tạo đang chỉ đạo các đơn vị trường học tích cực dọn vệ sinh trường lớp, đảm bảo các điều kiện cần thiết để việc dạy và học trở lại bình thường. Đồng thời, động viên cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Một trong những lưu ý đó là tiếp tục tổ chức tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, học sinh trong trường tuyệt đối không chủ quan trong phòng tránh bão lũ. Địa phương cũng yêu cầu ngành Giáo dục khẩn trương, chủ động và phối hợp với các địa phương rà soát cơ sở vật chất các trường học, đề xuất hỗ trợ sách, đồ dùng học tập đảm bảo công tác dạy và học trong thời gian sớm nhất.
Tại Thái Nguyên, dự kiến ngày 16/9 tất cả các nhà trường phần nào khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo điều kiện đón học sinh trở lại trường.
Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh thông tin, toàn tỉnh cố gắng ngày 16/9 đưa học sinh đi học để đảm bảo thời gian năm học. Những trường thiệt hại nặng nề hơn dự kiến cho học sinh đi học từ ngày 18/9.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức “Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3”. Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, việc chuyển hỗ trợ đến tay các đối tượng được hỗ trợ càng nhanh càng tốt. Trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ con người. Trước hết là dành cho giáo viên và học sinh. Đó là các nhà giáo bị thiệt hại, khó khăn về điều kiện ăn ở, phương tiện đi lại; là các em học sinh nếu không có hỗ trợ không thể đến trường…