Đảm bảo an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông

Ngày 21/11, tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Ban ATGT TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức thông tin cho các đơn vị liên quan và cơ quan báo chí về một số quy định mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trường Đại học Y tế công cộng, Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng, Ban ATGT TP. Đà Nẵng, Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Vận tải ô tô TP. Đà Nẵng...

Sự kiện có sự tham gia của đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trường Đại học Y tế công cộng, Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng, Ban ATGT TP. Đà Nẵng, Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Vận tải ô tô TP. Đà Nẵng...

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng, Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT TP. Đà Nẵng bày tỏ, chương trình mong muốncung cấp thông tin cho các đại diện các sở, ban, ngành, hiệp hội vận tải, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm tăng cường truyền thông phổ biến các quy định mới về bảo vệ trẻ em trong Luật TTATGT đường bộ, đặc biệt việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông (đã được Quốc hội thông qua ngày 27/06/2024).

Góp phần thúc đẩy sự ủng hộ và tuân thủ quy định pháp luật của người tham gia giao thông và nâng cao ATGT, bảo vệ trẻ em là đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông. Đồng thời, lan tỏa thông tin, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân đối với những quy định của Luật TTATGT đường bộ nhằm đảm bảo ATGT, nhất là cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Ông Bùi Hồng Trung phát biểu khai mạc

Ông Bùi Hồng Trung phát biểu khai mạc

"Từ ngày 1/1/2025, Luật TTATGT đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành, theo đó, quy định sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em là bắt buộc và bắt đầu thực hiện từ năm 2026", Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết và thông tin: Điều 10, điểm 3, Luật TTATGT đường bộ năm 2024 quy định, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ô tô không được cho trẻ ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

"Không chỉ riêng đối với trẻ em, Luật TTATGT đường bộ cũng quy định, người lái xe và người được chở trên ô tô phải thắt đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ", Thượng tá Minh nhấn mạnh.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh trao đổi tại sự kiện

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh trao đổi tại sự kiện

Từ kết quả nghiên cứu, PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế Cộng cộng) nhìn nhận, Luật TTATGT đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2024 đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.

Theo PGS. TS. Phạm Việt Cường, hiện nay xu hướng sử dụng ô tô ở nước ta đang tăng nhanh, vì vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô là vấn đề cần được quan tâm. Trên thế giới, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đã được thực hiện từ nhiều năm qua như một quy định bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, thực trạng việc sử dụng dây đai an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông còn chưa được chú trọng thực hiện.

Vì vậy, trong quá trình cho trẻ em tham gia giao thông trên phương tiện ô tô chưa đảm bảo an toàn, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Trong khi đó, nếu sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô khi cho trẻ em tham gia giao thông hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ đáng tiếc khi có va chạm hoặc sự cố trong quá trình xe lưu thông (khi xe phanh gấp, cha mẹ tập trung lái xe trẻ em hiếu động tự ý di chuyển khỏi vị trí ngồi...).

Đại biểu trao đổi ý kiến về quy định ATGT đối với trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông

Đại biểu trao đổi ý kiến về quy định ATGT đối với trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông

"Làm thế nào để các quy định mới của Luật TTATGT đường bộ, trong đó việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông sớm đi vào cuộc sống đòi hỏi ý thức của cha mẹ, của người điều khiển phương tiện (lái xe) và của cả cộng đồng. Bên cạnh những quy định, chế tài của luật pháp, việc lựa chọn thiết bị an toàn, đảm bảo chất lượng để lắp đặt trên ô tô dùng cho trẻ em khi tham gia giao thông cũng là vấn đề cần được tuyên truyền rộng rãi", PGS. TS. Phạm Việt Cường đặt vấn đề.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, TS. Dương Khánh Vân đánh giá, theo quy định tối thiểu cho luật sử dụng thiết bị an toàn và dựa trên những bằng chứng hiện có, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các yếu tố tối thiểu khi xây dựng luật sử dụng thiết bị an toàn gồm: Yêu cầu đối với trẻ em sử dụng thiết bị an toàn cho đến ít nhất 10 tuổi/cao 135 cm; hạn chế cho trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô tô; có các yếu tố kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tham chiếu cho thiết bị an toàn.

"Tham chiếu trên những khuyến nghị này, chúng tôi nhận thấy nội dung Luật TTATGT đường bộ năm 2024 của Việt Nam hội tụ được những yếu tố mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra", TS. Dương Khánh Vân đánh giá và cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn tham chiếu cho thiết bị an toàn cho trẻ em.

Tham dự chương trình, ngoài việc cung cấp những quy định mới trong quy định về bảo vệ trẻ em (thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô) và thắt dây đai an toàn trong Luật TTATGT đường bộ, các đại biểu, phóng viên các cơ quan báo chí còn được chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng dây đai an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông ở Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô sau khi có quy định bắt buộc phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô và khuyến nghị về việc thực hiện các quy định này từ các chuyên gia đến từ cơ quan, đơn vị chuyên môn.

Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, phóng viên tăng cường phối hợp, chung tay tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô, góp phần giảm thiểu TNGT nói chung và đặc biệt đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Đại Thắng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/dam-bao-an-toan-cho-tre-em-tren-o-to-khi-tham-gia-giao-thong-183241121193827989.htm
Zalo