Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền nơi neo đậu và các hồ chứa

Nhằm bàn giải pháp ứng phó bão số 7 (bão Yinxing), chiều 8-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành Trung ương và địa phương ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Từ đêm 7 và ngày 8-11, bão số 7 sẽ có tiếp tục mạnh thêm. Do ảnh hưởng, tác động của không khí lạnh phía Bắc đang di chuyển xuống nên diễn biến bão số 7 rất phức tạp khó dự báo. Nhiều khả năng, bão số 7 khi đi vào phía Bắc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), bão số 7 sẽ thay đổi hướng di chuyển, sau đó có khả năng giảm cường độ, thậm chí suy yếu nhanh. Ngoài ra, hiện nay dải hội tụ nhiệt đới ở khu vực Xích đạo đang hoạt động mạnh nhiều khả năng sẽ tiếp tục hình thành áp thấp nhiệt đới và bão trong những ngày tới sau cơn bão số 7.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai (PCTT) cho hay: Bộ đội Biên phòng các địa phương ven biển đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện, 312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão. Hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 7.

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ- Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ: Để ứng phó bão số 7, Bộ Quốc phòng đã có 3 công điện chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa. Đồng thời, hiện có 27.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và 5.000 phương tiện (gồm cả máy bay trực thăng) ứng trực sẵn sàng khi có tình huống yêu cầu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, mặc dù bão số 7 có khả năng suy yếu trước khi đổ bộ vào các địa phương khu vực Trung Trung Bộ nên rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan của chính quyền lẫn người dân, đặc biệt, khu vực này vừa hứng chịu mưa lũ trong những ngày qua. Hiện các hồ chứa khu vực này đang ở mực nước cao, nhiều hồ chứa đầy nước, do đó vấn đề đặt ra hiện nay là phải đảm bảo an toàn hồ chứa và khu vực hạ du. Nguy cơ sạt lở đất ở khu vực này hiện rất cao do những ngày qua liên tiếp hứng chịu mưa lũ lớn.

Đề nghị các địa phương tranh thủ thời tiết đang giảm mưa cần đẩy nhanh khắc phục hậu quả mưa lũ, tập trung đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ở nơi trú tránh. Cục Thủy lợi và các cơ quan chức năng cần khẩn trương tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương khu vực này tiến rà soát, vận hành các hồ chứa khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa và khu vực hạ du, đồng thời giữ được nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong thời gian tới.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/dam-bao-an-toan-cho-tau-thuyen-noi-neo-dau-va-cac-ho-chua-802191
Zalo