Đảm bảo an toàn các công trình trong mùa mưa lũ
Song song với việc đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công cũng đề ra các phương án phòng chống thiên tai để bảo vệ an toàn cho người và công trình đang triển khai.
Chọn điểm dừng thích hợp
Gói thầu 01XL: Thi công xây lắp toàn bộ công trình thuộc Dự án kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa; khu vực thôn Phú Sen, huyện Phú Hòa và khu vực phường 6, TP Tuy Hòa (kè Củng Sơn) đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo đánh giá của chủ đầu tư, công trình có thể vượt lũ an toàn.
Ông Phạm Hoàng Trí, tư vấn giám sát thi công công trình (Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh) cho biết: Công trình kè Củng Sơn có thiết kế dãy kè mái nghiêng, có cao trình đỉnh kè hơn 40m gồm hai mái kè, cầu qua suối, cống tiêu kết hợp bậc lên xuống, đường gom, khóa cuối kè… Hiện toàn bộ phần âm dưới nước đã được thi công xong. Nhà thầu đang thi công mái kè trên, dự kiến 1 tháng nữa sẽ hoàn thành. Chính vì thế, nếu nước sông Ba có dâng cao thì cũng không ảnh hưởng đến công trình vì đã có hệ thống mái kè bảo vệ.
Xác định mùa mưa năm nay tới sớm cùng diễn biến thất thường, nhà thầu thi công công trình cầu Đồng Hội (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) đã tăng cường nhân vật lực, tổ chức 4 mũi thi công cùng lúc để đẩy nhanh tiến độ. Công trình cầu dài gần 320m với tổng giá trị đầu tư xây dựng trên 175 tỉ đồng. Theo ông Huỳnh Ngọc Tĩnh, Chỉ huy trưởng công trình (Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông Đông Sơn), phần hạ bộ của cầu cơ bản hoàn thành. Hiện chỉ còn trụ T6 ở phía gần bờ, đang được đơn vị thi công khẩn trương thực hiện, dự kiến sẽ xong trong tháng 9. Nhà thầu đang tập trung lao lắp dầm, thi công bản mặt cầu.
Trên công trình xây dựng một số đoạn kè chống xói lở bờ hữu sông Bàn Thạch kết hợp với đường giao thông, đoạn từ cầu Bàn Thạch đi cầu Bến Lớn (TX Đông Hòa), các hạng mục còn khá ngổn ngang. Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, hiện công trình vẫn còn nhiều đoạn chưa giải phóng được mặt bằng nên không thể thi công phần chân kè tại một số vị trí. Đây là khu vực thường xuyên bị uy hiếp bởi mưa lũ gây ra sạt lở. Chính vì thế, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương lắp đặt ống buy, thả đá hộc chân kè, lát mái kè; đồng thời chọn điểm dừng phù hợp khi mưa lũ.
Chủ động ứng phó
Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương, người dân tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai ở địa phương theo quy định. Đối với các công trình đang thi công, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận; đặc biệt đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.
Theo ông Huỳnh Ngọc Tĩnh, hiện các phương án phòng chống thiên tai được nhà thầu đặc biệt chú trọng. Tiến độ thi công công trình trong mùa mưa bão có những khó khăn nhất định, nhưng phải thực hiện tốt phương án phòng chống lũ cho công trình. Nhà thầu đang ráo riết thi công các hạng mục còn lại. Công tác bảo đảm an toàn cho công trình, phương tiện, công nhân là trên hết. Khi có thông tin dự báo mưa lũ, nhà thầu phải chuyển công nhân và các phương tiện, xe phục vụ thi công lên vị trí cao để tránh thiệt hại.
Nhấn mạnh về việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, ông Đặng Khoa Đãm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Cùng với đảm bảo tiến độ, công tác kiểm tra, giám sát an toàn lao động trong thi công cũng được đơn vị thực hiện nghiêm. Chủ đầu tư yêu cầu tất cả đơn vị thi công lập kế hoạch ưu tiên thực hiện, sớm hoàn thành các hạng mục chống lũ hoặc thi công tới cao trình vượt lũ; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình để xử lý kịp thời, hiệu quả khi sự cố xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện khi thi công trong mùa mưa bão.
Hiện nay, toàn tỉnh có hàng chục công trình thi công nằm trong khu vực nguy cơ ngập lụt và sạt lở cao nên các phương án phòng chống lụt bão được chủ đầu tư, các đơn vị thi công xây dựng chi tiết. Cùng với đó, các đơn vị chủ động phương tiện máy móc, vật tư và lực lượng để xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mọi tình huống.