Đảm bảo an ninh vùng đồng bào Chăm
Những năm qua, trên từng nẻo đường, xóm bản, cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Khánh Hòa đã không quản ngại khó khăn, vất vả thực hiện “3 bám, 4 cùng” để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân vùng đồng bào Chăm.
Khánh Hòa là địa phương tập trung đông đồng bào Chăm nhất cả nước, với 22 làng người Chăm, tập trung ở khu vực Nam Khánh Hòa (tỉnh Ninh Thuận cũ) với 93.709 người, sinh sống cộng đồng, tập trung chủ yếu ở các làng như: An Nhơn, Bàu Trúc, Lương Tri, Văn Lâm… Đồng bào Chăm – Khánh Hòa chủ yếu theo đạo Bà la môn và Hồi giáo Bà ni, Hồi giáo Islam. Đặc biệt, văn hóa Chămpa mang nhiều nét độc đáo, bản sắc riêng.

Đại tá Nguyễn Quân – Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo Phòng An ninh nội địa thăm, tặng quà gia đình chức sắc Chăm Hồi giáo Bà ni nhân dịp lễ hội Ramưwan.
Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc Chăm tương đối ổn định. Chức sắc, trí thức tích cực tham gia các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần xây dựng quê hương khởi sắc. Với đặc thù của công tác an ninh, phải thường xuyên bám địa bàn, gặp gỡ, tiếp xúc với quần chúng Nhân dân, cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh nội địa lấy phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" để tăng cường, củng cố mối quan hệ quân - dân, phát hiện đấu tranh các hoạt động chống phá của kẻ địch ngay từ cơ sở; thường xuyên tiếp xúc, tranh thủ, phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc trong các tôn giáo, dân tộc để phục vụ nhiệm vụ bảo đảm vững chắc an ninh nội địa trên địa bàn.
Ông Từ Công Dư – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni cho biết: “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni luôn quan tâm việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thường xuyên phối hợp lực lượng Công an, đặc biệt là cán bộ An ninh nội địa đẩy mạnh tuyên truyền người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, có lúc không tránh khỏi những vụ việc bức xúc trong xã hội, nhưng lực lượng an ninh luôn sát cánh với hội đồng, phối hợp vận động, tuyên truyền người dân giải quyết ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương”.
Được lực lượng Công an tham mưu xây dựng, ra mắt từ năm 2015, mô hình "Làng Chăm an toàn về ANTT và trật tự an toàn giao thông (TTATGT)" tại thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, nay là phường Đô Vinh, tỉnh Khánh Hòa đã phát huy được vai trò tích cực, là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với nhân dân. Mô hình đã quy tụ 22 tộc họ trong đồng bào Chăm tham gia. Trong đó, các tộc họ luôn chú trọng việc tuyên truyền vận động 100% hộ gia đình ký cam kết không vi phạm về ANTT và TTATGT; thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy; tổ chức tuần tra bảo vệ an ninh xóm làng; huy động thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê” tại các tuyến đường nội thôn. Đồng thời, kịp thời thông tin cho người dân về những thủ đoạn hoạt động tội phạm để chủ động cảnh giác và phối hợp hỗ trợ Công an cơ sở đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, cung cấp những nguồn tin có giá trị liên quan đến ANTT… Thông qua mô hình đã góp phần thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn ngày càng phát triển, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ và Nhân dân chung tay bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Ông Đạo Văn Bùi – Phó Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni tỉnh, Sư cả chùa Hồi giáo Bà ni thôn Lương Tri, phường Đô Vinh, cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, mô hình tộc họ tự quản của thôn Lương Tri đã phát huy được vai trò trong công tác vận động người dân và con em chấp hành pháp luật, đảm bảo ANTT. Những năm gần đây, hầu như không còn tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, nẹt pô trên đường làng; không có đối tượng liên quan đến ma túy, không có trường hợp nào phải đưa vào diện quản lý tại địa phương”.
Trong tình hình mới, cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh nội địa nêu gương truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, luôn chú trọng công tác tại các địa bàn trọng điểm, vùng tôn giáo, dân tộc, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với Nhân dân vùng đồng bào Chăm, góp phần xây dựng, nêu cao tinh thần “gần dân”, “sát dân”, hết lòng “phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.