Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: Thêm lời giải từ Dự án NMNĐ Long Phú 1

Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, việc nỗ lực đưa các dự án điện có công suất lớn, ổn định vào hoạt động để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là cực kỳ quan trọng.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) xác định điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Miền Tây Nam Bộ đang trên đà phát triển trở thành vùng kinh tế trọng điểm của đất nước (Ảnh minh họa)

Miền Tây Nam Bộ đang trên đà phát triển trở thành vùng kinh tế trọng điểm của đất nước (Ảnh minh họa)

Trong đó, Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền. Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2021-2030 với tổng công suất các nhà máy điện ước là 150.489 MW và điện thương phẩm khoảng 505,2 tỷ kWh.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, miền Tây Nam Bộ có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, có thể trở thành một trong những vùng trọng điểm về năng lượng, sản xuất nông - công nghiệp chế biến của cả nước. Bên cạnh đó, ở đây có sự đa dạng về bản sắc văn hóa, dân tộc, tôn giáo và giàu tiềm năng, lợi thế về thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Những năm qua, Tây Nam Bộ là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong cả nước (luôn đạt tốc độ tăng trưởng từ 10-15%), là khu vực có thế mạnh và dẫn đầu trong xuất khẩu nông nghiệp, thủy, hải sản với sản lượng xuất khẩu tăng dần qua các năm. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, miền Tây Nam Bộ luôn có nhu cầu rất lớn về điện, đặc biệt là các nguồn điện có độ ổn định cao để phát triển các trại giống nuôi trồng thủy, hải sản, giống lúa chất lượng cao, giống cây ăn trái mới, các nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản...

Theo Báo cáo Khung định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 9 NMNĐ chạy bằng dầu, khí và than với tổng công suất lắp đặt là 5.449 MW. Nơi đây cũng có 1 NMNĐ rác từ chất thải đô thị, 9 NMNĐ rác từ chất thải nông nghiệp (bã mía), cùng hàng chục nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt lên đến hàng nghìn MW.

Tuy nhiên trong đó, chỉ có các nhà máy nhiệt điện than là có công suất lớn, còn công suất lắp đặt của các nhà máy còn lại chỉ ở cỡ nhỏ và trung bình. Vùng Tây Nam Bộ hiện đang xây dựng Trung tâm điện lực Ô Môn với tổng công suất 3.220 MW, Trung tâm điện lực Duyên Hải với tổng công suất 4.470 MW, Trung tâm điện lực Sông Hậu với tổng công suất 3.220 MW và Trung tâm điện lực Long Phú với tổng công suất 4.320 MW.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An và tỉnh Bạc Liêu cũng xin chuyển đổi Trung tâm năng lượng nhiệt điện than để hình thành Trung tâm nhiệt điện LNG Long An có tổng công suất 3.000 MW và Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu có công suất 3.200 MW.

Miền Tây Nam Bộ có tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu điện lớn (Ảnh minh họa)

Miền Tây Nam Bộ có tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu điện lớn (Ảnh minh họa)

Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đề xuất cắt giảm nhiều nhà máy điện than. Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đưa ra định hướng “chưa phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy đang trong quá trình xây dựng như Duyên Hải 1, Long Phú 1”.

Còn theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu điện của các tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng nhanh, dự báo ở mức 8-10%/năm trong thập kỷ tới, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến trong tương lai. Dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu điện cho khu vực này sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay, lên mức 65 tỷ kWh điện thương phẩm. Như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cần một nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ USD cho xây dựng nhà máy điện, xây lắp các cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng, hệ thống truyền tải, kho lưu trữ khí đốt, nâng cấp hệ thống phân phối; đồng thời, tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sạch, sẵn có tại chỗ sẽ là hướng đi mới cho vùng.

Trong bối cảnh nêu trên, Dự án NMNĐ Long Phú 1 có công suất 1.200 MW (gồm 2 tổ máy) do Petrovietnam làm chủ đầu tư, được xây dựng tại ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đang được thúc đẩy hoàn thành là một thông tin đáng mừng với tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung.

Dự án NMNĐ Long Phú 1 được Petrovietnam thúc đẩy hoàn thành

Dự án NMNĐ Long Phú 1 được Petrovietnam thúc đẩy hoàn thành

Với sự nỗ lực không ngừng, ý thức được sự quan trọng của việc hoàn thành dự án nguồn điện cấp bách của quốc gia, thời gian qua Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã nỗ lực cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, những vướng mắc về pháp lý quốc tế của Dự án NMNĐ Long Phú 1, đến nay các vướng mắc cơ bản được tháo gỡ.

Được biết, ngay từ đầu năm 2025, Petrovietnam sẽ tiến hành hàng loạt công tác quan trọng đối với Dự án NMNĐ Long Phú 1, trong đó ngày 6/1/2025, Tập đoàn sẽ tổ chức ra quân đẩy nhanh thực hiện hoàn thành Dự án với quyết tâm huy động mọi nguồn lực, hoàn thành dự án trước năm 2027, sớm hơn so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Điện VIII; tiếp sau đó là triển khai nhiều hạng mục các công việc quan trọng như hoàn tất việc phê duyệt đầu tư hiệu chỉnh Dự án; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể của Dự án; hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC mới/các gói thầu thiết bị chính; lựa chọn tổng thầu EPC chịu trách nhiệm về thông số đảm bảo của Nhà máy;... ; tiến hành lắp đặt hoàn thiện và hoàn thành Nhà máy trước năm 2027.

Được biết, khi đi vào vận hành, điện năng sản xuất của NMNĐ Long Phú 1 có thể đạt 7,8 tỷ kWh/năm. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế đất nước.

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dam-bao-an-ninh-nang-luong-quoc-gia-them-loi-giai-tu-du-an-nmnd-long-phu-1-722771.html
Zalo