Đảm bảo an ninh năng lượng: Chìa khóa tăng trưởng kinh tế bền vững
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển bền vững nhờ năng lượng tái tạo. Theo ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam, việc tự chủ năng lượng không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Với tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để trở thành trung tâm năng lượng sạch hàng đầu khu vực.
Tự chủ và bảo đảm an ninh năng lượng là chìa khóa tăng trưởng hai con số
Tại sự kiện Vietnam Energy Forum, chiều 31/3, ông Stuart Livesey chia sẻ về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo (như điện gió ngoài khơi) và năng lượng mới (Power-to-X, hydrogen) đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Toàn cảnh sự kiện Vietnam Energy Forum.
Ông Stuart Livesey khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế chính là khả năng tự chủ năng lượng. Khi nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Tại COP26, Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điều này càng nhấn mạnh vai trò của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Các tập đoàn đa quốc gia như: Samsung, Nike hay Foxconn đang tìm kiếm các giải pháp năng lượng sạch để đáp ứng những tiêu chuẩn ESG khắt khe. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một hệ thống năng lượng đáng tin cậy không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy GDP tăng trưởng hai con số. Việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu như than, dầu và khí đốt sẽ giúp Việt Nam cân đối chi phí sản xuất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành Công nghiệp chiến lược như ngành công nghiệp hydrogen và Power-to-X (PtX).
Ngoài ra, sự chủ động trong nguồn cung năng lượng còn giúp Việt Nam tránh được những biến động về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế, giảm thiểu rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị và khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Ông Stuart Livesey nhấn mạnh rằng, nếu Việt Nam có một chiến lược phát triển năng lượng bền vững, quốc gia này hoàn toàn có thể trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một trong những vấn đề quan trọng khác mà Việt Nam cần xem xét là đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Việc chỉ tập trung vào một loại hình năng lượng sẽ làm tăng rủi ro về nguồn cung, đặc biệt trong bối cảnh biến động địa chính trị toàn cầu. Chính vì vậy, việc phát triển cả điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ giúp Việt Nam có được hệ thống năng lượng cân bằng và bền vững hơn. Việt Nam may mắn có nền kinh tế đang phát triển và những điều kiện thuận lợi để cho nhiều loại công nghệ truyền tải và tạo ra các loại hình năng lượng tái tạo khác nhau. Khi những công nghệ này được đưa vào ngành năng lượng với khối lượng đủ lớn, đi cùng hệ thống quản lý, phát triển lưới điện hiệu quả, đầu tư vào hiệu quả năng lượng và tích hợp các giải pháp lưu trữ, năng lượng tái tạo sẽ là yếu tố then chốt cho tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.
Việt Nam nên tập trung phát triển điện mặt trời và điện gió ngoài khơi
“Việt Nam sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là Bình Thuận và Ninh Thuận, có tốc độ gió lớn hơn nhiều so với các nơi khác ở châu Á và cường độ gió đủ mạnh để có thể khai thác quanh năm. Bên cạnh đó, phần lớn vùng nước chạy dọc bờ biển Việt Nam khá nông, và khu vực có gió nằm gần bờ, nên có thể xây dựng các công trình đóng móng trực tiếp xuống đáy biển với chi phí hợp lý, không phức tạp và tốn kém như các công trình xây nổi trên mặt nước. Đồng thời, số giờ nắng cao trong năm cũng giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để mở rộng các dự án điện mặt trời quy mô lớn”, ông Stuart Livesey đánh giá.
Việt Nam cũng có nhiều điểm sáng để thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như: Dân số gia tăng đi cùng nhu cầu năng lượng ngày càng cao; Chính phủ nỗ lực tìm cách giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng và nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0; nhiều doanh nghiệp FDI muốn sử dụng năng lượng xanh.
Với hạ tầng lưới điện sẵn có và hiệu quả, cùng cơ sở hạ tầng cảng đã phát triển ở mức hợp lý, Việt Nam có nền tảng thuận lợi cho quá trình chuyển dịch, với lợi thế sẵn có từ ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi cũng như kinh nghiệm xây dựng trên đất liền. Nhiều công ty tại Việt Nam đã có kinh nghiệm cung cấp thiết bị điện gió ngoài khơi cho Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, với vị trí chiến lược, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm tiềm năng cho sản xuất hydrogen. Trong bối cảnh công nghệ Power-to-X (PtX) và hydrogen đang phát triển nhanh, Việt Nam có tiềm năng lớn để nắm vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp này nhờ có tài nguyên năng lượng phong phú, cụ thể là điện gió ngoài khơi.
Đứng trước cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ và nhu cầu về hydrogen ngày càng tăng trên toàn cầu, Việt Nam có cơ hội chiến lược để phát triển ngành công nghiệp hydrogen có sức cạnh tranh cao. Các công nghệ này có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với ngành điện gió ngoài khơi, mang lại một giải pháp có giá trị để tránh thất thoát năng lượng hay đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng dưới các loại hình khác, ví dụ như lưu trữ pin, chuyển đổi electron thành nguyên tử hydro dưới dạng amoniac hoặc khí hydro.
“Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) có nhiều kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và PtX trên toàn thế giới. Dù giá thành PtX và hydro xanh vẫn còn rất cao cho Việt Nam hiện tại, nhưng chi phí có thể giảm nhanh cùng với các tiến bộ về công nghệ. Nếu Việt Nam có thể bắt kịp xu hướng và có sự chuẩn bị phù hợp, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, chuẩn bị nguồn lực tài chính tốt và hợp tác với các đối tác có năng lực như CIP, tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của PtX và hydro xanh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Stuart Livesey nhận định.
Hoàn thiện chính sách và cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư – Chìa khóa thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo
Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào tiềm năng phát triển năng lượng sạch. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn. Theo ông Stuart Livesey, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện chính sách đấu thầu và đảm bảo tính minh bạch trong quy trình cấp phép sẽ giúp tạo động lực lớn cho các dự án năng lượng tái tạo.
Chính phủ cần có kế hoạch rõ ràng về từng giai đoạn phát triển, thi công và vận hành dự án, với sự bảo đảm về mặt thời gian, quy trình đưa ra quyết định rõ ràng, có tính ổn định, cơ chế về giá mua điện cùng sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng lưới điện và cảng liên quan. Đối với các nhà đầu tư, các chính sách rõ ràng, quy trình minh bạch và phê duyệt kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo các dự án có thể được bàn giao đúng thời hạn và trong ngân sách dự kiến, bảo đảm các bên mua điện ở mức giá điện tối ưu. Việc một bên tiến hành thực hiện khảo sát ngoài khơi trước khi đấu thầu cũng cần đưa vào tiêu chí cộng điểm trong quá trình đấu thầu và trao thầu. Công tác khảo sát chỉ nên được triển khai khi đã các đơn vị phát triển dự án đã cam kết rót vốn và đầu tư nguồn lực, đồng thời có quy trình rõ ràng về việc trao thầu và yếu tố giá điện không thông qua đàm phán.
Ngoài ra, những yếu tố chưa minh bạch khiến các doanh nghiệp FDI chưa quyết định đầu tư. Với các lĩnh vực khác như công nghiệp và sản xuất, các nhà đầu tư hiểu rõ các quy định và có thể tự tính chính xác lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình, trong khi các nhà đầu tư về năng lượng mới lại chưa có được sự rõ ràng đó. Việt Nam cần mang lại sự bảo đảm của thị trường năng lượng trong nước, thuyết phục các doanh nghiệp FDI rằng đây là môi trường đầu tư an toàn, minh bạch và được kiểm soát chặt chẽ. Thông điệp này cần được truyền đạt nhất quán từ Chính phủ đến các bộ ngành và cơ quan quản lý tại địa phương để các quyết định được đưa ra kịp thời.
“Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống truyền tải điện chưa theo kịp tốc độ phát triển của các dự án năng lượng tái tạo. Do đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện, cảng biển và chuỗi cung ứng địa phương là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển bền vững”, ông Stuart Livesey nhận định.