Đắk Nông: Xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những yếu tố quan trọng
k Nông xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để gia tăng hiệu quả thương mại biên giới. Việc xúc tiến thương mại là cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Đắk Nông quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến các đối tác của Campuchia.
Đắk Nông là một tỉnh nằm ở cao nguyên Tây Nguyên, giáp Campuchia phía Đông Nam. Khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên 151,61km2, gồm 7 xã thuộc 4 huyện biên giới, dân số 18.833 hộ/75.926 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 26,7%; tuyến biên giới có 141,045km đường biên tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia).
Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 cửa khẩu biên giới (cửa khẩu Bu Prăng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và cửa khẩu Đắk Per tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil); có 4 chợ (chợ xã Thuận An, huyện Đắk Mil; chợ xã Đắk Wil, huyện Cư Jút; chợ xã Quảng Trực, chợ xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức), để đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa với tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia và các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam - Lào - Campuchia).
Thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 384/KH-UBND ngày 31/5/2021 về phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Tỉnh đang thực hiện Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Trong giai đoạn này, Đắk Nông tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa cửa khẩu và nội địa, ưu tiên đầu tư vào các tuyến đường như tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 6 và các tuyến đường nối cửa khẩu Đắk Peur đến tỉnh lộ 3.
Mục tiêu cuối cùng là xây dựng cửa khẩu Đắk Peur và Bu P’răng thành những cửa khẩu thông minh, có sự liên thông thủ tục hành chính giữa hai bên, phù hợp với khả năng và thỏa thuận giữa hai nước. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ nâng cấp cửa khẩu Bu P’răng từ cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế.
Thế mạnh về nông, lâm nghiệp, Đắk Nông có dư địa lớn cho nông sản Đắk Nông qua thị trường Campuchia và ngược lại. Hai bên cũng triển khai nhiều chương trình hợp tác hiệu quả để khai thác các thế mạnh của mỗi nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, điện, chăm sóc y tế và phát triển du lịch…
Với tiềm năng tiêu thụ lớn, thị trường Campuchia đang thu hút các doanh nghiệp Đắk Nông khai thác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Hơn 5 năm qua, HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt (Tuy Đức) đã xuất khẩu sản phẩm mắc ca sấy sang Campuchia. Dù sản lượng còn khiêm tốn, với khoảng hơn 10 tấn mỗi năm, nhưng việc gia nhập thị trường mới này đã tạo ra những cơ hội đáng kể cho nông sản Đắk Nông.
Nông sản tại Campuchia hiện chủ yếu được bán thô, chưa được đầu tư nhiều nhà máy chế biến. Người dân nước bạn gần đây đã trồng mắc ca, nhưng hiện vẫn chưa cho thu hoạch. Đây là dư địa tốt để Đắk Nông khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ trong những năm tới. Với vị trí giáp biên, việc xuất khẩu sang các nước láng giềng sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển.
Cùng với mắc ca, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Cà phê Hương Quê Đắk Nông, huyện Đắk Mil chuyên chế biến cà phê và ca cao. Doanh nghiệp đang tích cực tìm hiểu và tiếp cận thị trường Campuchia.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đắk Nông sang Campuchia những năm qua có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, sản lượng vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh so với các địa phương lân cận.
Giám đốc công ty Nguyễn Văn Quý nhận định: "Campuchia là một thị trường mới, với nhiều tiềm năng cho nông sản địa phương. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu các tiêu chí của thị trường này để có hướng đi phù hợp cho việc xuất khẩu trong thời gian tới".
Theo Sở Công thương Đắk Nông, hoạt động thương mại giữa Đắk Nông và Campuchia đã có sự gắn bó chặt chẽ trong thời gian qua. Ngành Công thương lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao để giới thiệu, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai địa phương và tăng cường tiềm năng kinh tế của cả hai nước.
Đắk Nông hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá và phân phối hàng hóa tại các chợ biên giới, trung tâm thương mại và hội chợ, triển lãm. Các sản phẩm trưng bày chủ yếu là nông sản, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Các doanh nghiệp Campuchia, cảm thấy đây là cơ hội tốt để kết nối giao thương với đối tác và khách hàng nước bạn. Đắk Nông đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thương mại khu vực, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương trong thời gian tới.