Đắk Nông tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng dân tộc thiểu số

Nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản, giảm thiểu tai biến sản khoa không đáng có, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số đã và đang được ngành y tế Đắk Nông quan tâm.

Thời gian qua, tại các xã vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của Đắk Nông vẫn còn tình trạng các sản phụ và gia đình chưa quan tâm quản lý thai kỳ, thực hiện các xét nghiệm để tầm soát và đánh giá dị tật thai nhi. Các cặp vợ chồng chưa sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hiện đại… Điều này dẫn đến những rủi ro như tai biến sản khoa, tử vong sản phụ, tử vong sơ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 10 trường hợp tai biến sản khoa.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn sức khỏe sinh sản cho đối tượng nam giới người DTTS ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn sức khỏe sinh sản cho đối tượng nam giới người DTTS ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong

Chị Sùng Thị Sao, ở thôn 3, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cho biết: "Tôi mang thai được 6 tháng, nhà lại xa trung tâm nên hôm nay mới là lần thứ 2 tôi đi khám thai. Tôi được các y, bác sĩ siêu âm, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai và thực hiện quản lý theo dõi thai kỳ tại trạm y tế xã. Qua đó, giúp tôi biết cách chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh. Khi đến ngày sinh, tôi sẽ đến cơ sở y tế để sinh con an toàn".

Bác sĩ Lê Duy Đại, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn cho biết, nguyên nhân tình trạng trên là do một bộ phận chị em còn e ngại khi cán bộ y tế đến thực hiện các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh ản (SKSS). Tại một số vùng, giao thông đi lại khó khăn, thôn, bon cách xa cơ sở y tế. Việc cung cấp dịch vụ y tế chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế...

Để tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn SKSS cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức gần 20 buổi truyền thông cho hơn 1.000 lượt người là phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, chồng, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ...

Bác sĩ CKI Phạm Thị Thu Huyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: "Qua tư vấn và thăm khám cho chị em vùng sâu, vùng xa, biên giới, chúng tôi mới nhận thấy nhiều chị em còn khá chủ quan với việc chăm sóc SKSS của bản thân và con em trong gia đình. Đội ngũ chúng tôi đã tích cực hướng dẫn, tư vấn, khám, điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh về đường sinh sản và thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình".

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, việc tổ chức các chiến dịch truyền thông kết hợp chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Qua đó, làm thay đổi hành vi của người dân về việc không sinh đẻ tại nhà mà đến sinh đẻ tại cơ sở y tế, bảo đảm an toàn cho mẹ và trẻ. Từ đó, góp phần hạn chế tối đa tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngô Đồng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-tang-cuong-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-vung-dan-toc-thieu-so-227146.html
Zalo