Đắk Nông nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Thời gian qua, các mô hình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, khởi nghiệp kinh doanh của các cấp hội phụ nữ tỉnh Đắk Nông có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được lan tỏa sâu rộng.

Hỗ trợ sinh kế, khởi nghiệp

Theo Hội LHPN tỉnh Đắk Nông, trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua các hoạt động giúp nhau về tiền, ngày công, con giống, hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo. Hiện nay, các cấp hội cơ sở tiếp tục tổ chức rà soát và đăng ký hỗ trợ giúp đỡ 355 hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo là chủ hộ thoát nghèo bền vững.

Chị em được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi vươn lên thoát nghèo

Chị em được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi vươn lên thoát nghèo

Bà Nguyễn Thúy Luân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Mil cho biết: “Để góp phần hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện chú trọng đến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ. Phụ nữ có điều kiện kinh tế, kiến thức được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, với các hình thức như hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, tư vấn xây dựng thương hiệu để có thể nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng quy mô thị trường”.

Đồ họa Nguyễn Hiền XB

Đồ họa Nguyễn Hiền XB

Hội LHPN huyện Đắk Song hiện đang triển khai Dự án “Sinh kế bền vững cho nông dân nữ trong chuỗi giá trị hạt tiêu đen”. Dự án xây dựng 6 nhóm nông hộ nữ trồng tiêu tại các xã Thuận Hạnh, Nâm N'Jang. Thông qua dự án, các cấp hội tích cực vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó, chủ động vươn lên, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ được tiếp tục triển khai, trên cơ sở rà soát, nắm bắt cụ thể nguyên nhân nghèo để phân công giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, phù hợp.

Riêng Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, Hội LHPN tỉnh đang tập trung nâng cao hiệu quả việc triển khai, bằng việc kết nối, mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với chú trọng hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết và hỗ trợ phụ nữ kết nối tiêu thụ sản phẩm, các cấp hội vận động các nữ doanh nhân phát huy vai trò, phát triển kinh doanh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ. Hội cũng đang xúc tiến hướng dẫn các cấp hội vận động, lựa chọn hội viên tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn

Các cấp hội tập trung thực hiện tốt hoạt động ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách-xã hội tỉnh và các tổ chức tín dụng khác. Cụ thể, tính đến ngày 31/5/2024, dư nợ nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt trên 1.301 tỷ đồng, với 20.691 hộ vay. Các cấp hội hiện đã xây dựng, quản lý 452 tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Nhiều chị em là chủ doanh nghiệp đã hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em khác trên địa bàn

Nhiều chị em là chủ doanh nghiệp đã hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em khác trên địa bàn

Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế cũng là kênh vốn hiệu quả, hiện dư nợ đạt trên 43,508 tỷ đồng, với 1.910 thành viên được vay để đầu tư làm ăn. Ngoài vay vốn, chị em còn tham gia gửi tiết kiệm được 59,341 tỷ đồng để làm vốn đối ứng, giúp nhau làm ăn.

Chị Nguyễn Thúy Hằng, hội viên Hội LHPN xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil cho biết: “Được hội phụ nữ đứng ra tín chấp, giúp cho vay nguồn vốn ưu đãi, gia đình đã đầu tư vào chăm sóc vườn sầu riêng, đến nay đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Những năm gần đây, sầu riêng luôn được mùa được giá, gia đình tôi không những trả hết vốn vay mà còn tích lũy được nguồn vốn, để tiếp tục đầu tư vườn cây và mua sắm thêm các tiện nghi sinh hoạt”.

Cũng là hội viên Hội LHPN xã Đức Mạnh, chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp hội phụ nữ, gia đình tôi may mắn được vay nguồn vốn ưu đãi với mức lãi suất thấp để tập trung đầu tư cho vườn cà phê xen tiêu. Được mùa được giá gia đình tôi đã vươn lên, ổn định kinh tế hơn rất nhiều.

Đồ họa Nguyễn Hiền XB

Đồ họa Nguyễn Hiền XB

Theo bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN Đắk Nông, để chị em phát huy vai trò, vị thế trong xã hội, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao nâng cao được quyền năng về kinh tế. Vì vậy, hội luôn phối hợp liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ. Điều đáng mừng, qua các nguồn vốn vay, nhiều hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số không những có điều kiện vươn lên giảm nghèo bền vững mà còn khẳng định được vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới.

Tuệ An

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-nang-cao-quyen-nang-kinh-te-cho-phu-nu-220866.html
Zalo