Đắk Nông: Định hình sản phẩm cà phê 'không phá rừng'

Để đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR), Đắk Nông đang có nhiều bước đi bài bản, huy động sự vào cuộc đồng bộ của người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

Người dân, doanh nghiệp chủ động thích ứng với yêu cầu mới

Những mô hình sản xuất bền vững, minh bạch về nguồn gốc đang tạo ra những kết quả đáng ghi nhận, từng bước định vị thương hiệu cà phê Đắk Nông trên thị trường.

 Đắk Nông hiện có 142.059ha cà phê, trong đó gần 131.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 360.000 tấn/năm, chiếm khoảng 18% tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Ảnh: Đức An

Đắk Nông hiện có 142.059ha cà phê, trong đó gần 131.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 360.000 tấn/năm, chiếm khoảng 18% tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Ảnh: Đức An

Anh Đinh Văn Việt, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) có 7ha cà phê. Năm 2017 anh chuyển đổi sang quy trình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Động lực chuyển đổi của anh đến từ áp lực chi phí phân bón hóa học tăng cao, nhưng quan trọng hơn là mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Anh Việt cho biết, bằng cách tận dụng phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, phân chuồng cùng cá, chuối, mật mía và men vi sinh, gia đình tôi đã giảm đến 80% lượng phân bón hóa học. Vườn cà phê phát triển xanh tốt nhờ được che bóng hợp lý, phát cỏ định kỳ và đặc biệt là chỉ thu hoạch cà phê chín, sơ chế, chế biến theo quy trình cà phê chất lượng cao. Nhờ đó, cà phê bán ra đạt giá cao hơn thị trường từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Không chỉ hộ gia đình, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn cũng đang nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với yêu cầu mới. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp công bằng Thanh Thái, ở huyện Krông Nô (Đắk Nông). HTX có gần 300 thành viên, canh tác trên 500ha cây cà phê. HTX đã xây dựng được 120ha đạt chứng nhận Rainforest Alliance (RA), một tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, HTX còn đang triển khai thí điểm 10ha cà phê hữu cơ, đồng thời kết nối với các nhà rang xay trong và ngoài nước để đảm bảo đầu ra ổn định.

Người trồng cà phê Đắk Nông đang chủ động nâng cao giá trị, chất lượng cà phê. Ảnh: Đức An

Người trồng cà phê Đắk Nông đang chủ động nâng cao giá trị, chất lượng cà phê. Ảnh: Đức An

Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Thanh Thái khẳng định, HTX đóng vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị, từ hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến quy trình canh tác bền vững, truy xuất nguồn gốc đến kết nối tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đang từng bước chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và minh bạch.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc

Đắk Nông hiện có 142.059ha cà phê, trong đó gần 131.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 360.000 tấn/năm, chiếm khoảng 18% tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Ngành hàng cà phê đang góp phần tạo sinh kế cho khoảng 400.000 người dân toàn tỉnh.

Từ năm 2023, tỉnh Đắk Nông đã chủ động ban hành khung kế hoạch hành động thực hiện Quy định chống phá rừng (EUDR). Đồng thời, tỉnh thành lập Tổ công tác chuyên trách, hướng dẫn xác lập tọa độ vùng trồng, xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch đến từng thửa đất.

Vườn cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, thu hái chín của anh Đinh Văn Việt, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). Ảnh: Đức An

Vườn cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, thu hái chín của anh Đinh Văn Việt, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). Ảnh: Đức An

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 25 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ cà phê quy mô 13.300ha, có 11.324 hộ nông dân tham gia. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Intimex Đắk Nông, Toàn Hằng, Hiệp Loan… đang triển khai các chương trình cà phê bền vững với hàng chục nghìn hộ dân tham gia.

Tỉnh cũng đã công nhận 785ha vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Đắk Mil, Đắk Song. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 93 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng, với tổng diện tích 32.954ha, sản lượng gần 91.375 tấn/năm. Trong đó, có hơn 32.600ha đạt chuẩn 4C, UTZ, RA, Flo, chủ yếu tập trung tại Đắk R’lấp và Đắk Mil.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, quy định EUDR là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc ngành cà phê theo hướng bền vững, chuyên nghiệp. Đắk Nông đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chứng minh rằng sản phẩm cà phê không phá rừng, đồng thời đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông cũng tích cực phối hợp cùng các tổ chức quốc tế như UNDP, IDH… để tranh thủ nguồn lực kỹ thuật, tài chính, xây dựng hệ thống dữ liệu và đào tạo nhân lực truy xuất nguồn gốc.

Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn nhất định, như: hệ thống dữ liệu vùng trồng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; quy mô sản xuất manh mún, nhiều vườn rẫy chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai; doanh nghiệp thu mua còn chậm thích ứng...

Quy định EUDR sẽ chính thức áp dụng từ tháng 12/2025 với doanh nghiệp lớn và tháng 6/2026 với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ nay đến thời điểm đó, tỉnh Đắk Nông xác định tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường ứng dụng công nghệ số và đặc biệt là bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên.

Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với sự chủ động của người dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền, ngành cà phê Đắk Nông đang dần khẳng định vị thế là vùng nguyên liệu bền vững, minh bạch, sẵn sàng chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu.

Quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2024 và áp dụng từ tháng 12/2025 với doanh nghiệp lớn và tháng 6/2026 với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những sản phẩm không gây phá rừng và hợp pháp mới được nhập khẩu vào thị trường EU. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng, có kế hoạch tuân thủ và hành động để tránh tình trạng gián đoạn xuất khẩu.

Đức An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dak-nong-dinh-hinh-san-pham-ca-phe-khong-pha-rung-388805.html
Zalo