Đắk Lắk: Quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, tìm kiếm khách hàng, xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản… tỉnh Đắk Lắk đang triển khai hàng loạt giải pháp hướng tới mục tiêu nâng tầm sản phẩm, chia sẻ lợi ích hài hòa giữa người sản xuất - phân phối - tiêu thụ nông sản.
Tăng cường kết nối giao thương
Tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về sản xuất nông nghiệp, nhiều nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, ca cao, sầu riêng… với nhiều sản phẩm thương hiệu nổi tiếng đang tăng dần vị thế đối với thị trường trong nước và xuất khẩu trên thế giới.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tháng 8/2023 đạt khoảng 130 triệu USD. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 1.030 triệu USD, đạt 64,4% kế hoạch năm.
Đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhiều năm qua, cùng với hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ người sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng đối với các loại hàng hóa nông sản…, tỉnh Đắk Lắk đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thực hiện chủ trương tăng cường kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ xuất khẩu.
Mới đây nhất, ngày 8/9/2023 diễn đàn kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm nông sản với doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ xuất khẩu năm 2023 được Sở Công thương Đắk Lắk chủ trì, phối hợp tổ chức, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận thông tin, tìm kiếm khách hàng, xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua công tác tuyên truyền quảng bá các sản phẩm nông sản của địa phương được chú trọng, do đó đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại tham gia chuỗi liên kết giao thương hàng hóa .
Đại diện lãnh đạo Sở Công thương, tổ chức xúc tiến thương mại hàng chục tỉnh, thành, hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện các nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua xuất nhập khẩu trong nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thực phẩm khu vực Tây Nguyên, các địa phương tham gia diễn đàn đã cùng nhau đánh giá và chia sẻ về bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất những giải pháp liên kết đẩy mạnh tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên thời gian tới.
Theo đó, hàng chục thỏa thuận hợp tác, cùng các văn bản ghi nhớ đồng thời đã được ký kết, xúc tiến trong thời điểm gần nhất.
“Với hiệu quả và tính thiết thực mang lại trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ sản xuất tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, nhất là các địa phương có các sản phẩm đặc sản, sản xuất nông sản lớn tìm kiếm đối tác, tiếp cận thị trường tiêu thụ, kết nối bền vững đang góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho cả nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu bền vững” - đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.
Nâng tầm giá trị xuất khẩu mặt hàng chủ lực sầu riêng
Ngành hàng sầu riêng của Việt Nam đã và đang trở thành một ngành hàng giữ vai trò đặc biệt quan trọng của Việt Nam nói chung và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) các địa phương trồng sầu riêng nói riêng, với giá trị xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang. Sản lượng sầu riêng Đắk Lắk tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016 - 2023, từ trên 30.000 tấn lên ước đạt 190.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm. Trong đó, sản lượng trên diện tích được cấp mã vùng trồng khoảng 47.300 tấn, chiếm 25%.
Theo ông Dương, mọi chủ thể trong chuỗi giá trị ngành hàng sầu riêng cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần liên kết trong tổng thể không gian phát triển ngành hàng.
Theo các chuyên gia cũng như lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, để nâng tầm giá trị xuất khẩu cho mặt hàng sầu riêng, tới đây không chỉ riêng với tỉnh Đắk Lắk mà với tất cả những vùng trồng sầu riêng trong cả nước, cần có quy định cụ thể về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các quy định về hợp đồng kinh tế, thương mại nông sản, liên kết sản xuất và các quy định về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm…
Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có những hành động cụ thể, quyết liệt để bảo vệ, phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng đến đông đảo quần chúng nhân dân, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân trồng sầu riêng.
Đại diện ngành NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện một số giải pháp đang được tỉnh Đắk Lắk đề cập hoàn thiện đó là đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ giai đoạn 2025 tầm nhìn đến 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trong các vụ sầu riêng đảm bảo cho người dân, chủ vườn nhận thức được âm mưu, thủ đoạn, các vấn đề phức tạp liên quan đến mùa sầu riêng, phòng tránh việc tranh mua, tranh bán.
Tỉnh Đắk Lắk đặc biệt coi trọng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; Phát huy tối đa vai trò của hiệp hội, ngành hàng trong công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kiến thức cho nông dân, tạo cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, cơ quan nhà nước...