Đắk Lắk giải trình nguyên nhân thu biện pháp tài chính chậm

Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo Sở Tài chính đã giải trình các nguyên nhân cơ bản dẫn đến thu biện pháp tài chính (bán quyền sử dụng đất - PV) chậm.

Nhiều nguyên nhân khiến thu biện pháp tài chính chậm

Chiều ngày 11/7, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2016 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2024, thu biện pháp tài chính của tỉnh Đắk Lắk ước đạt 789 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, bằng 24,7% kế hoạch năm 2024. Trong đó, thu tiền sử dụng đất khoảng 670 tỷ đồng (cấp tỉnh thực hiện 1,483 tỷ đồng, bằng 0,11% kế hoạch; cấp huyện thực hiện 668,53 tỷ đồng, bằng 42,05% kế hoạch).

Thảo luận tại kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, có một số chỉ tiêu về kinh tế - xã hội không đạt, nhất là thu biện pháp tài chính. Vì vậy, các đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể nguyên nhân thu biện pháp tài chính chậm. Đồng thời, ra giải pháp cụ thể thu đạt 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo, đặc biệt thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh.

Giải trình ý kiến của các địa biểu, ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là năm thứ 4 liên tục, tỉnh Đắk Lắk hụt thu biện pháp tài chính.

Ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk giải trình về các nguyên nhân cơ bản dẫn đến thu biện pháp tài chính chậm.

Ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk giải trình về các nguyên nhân cơ bản dẫn đến thu biện pháp tài chính chậm.

Giám đốc Sở Tài chính cho biết, có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến thu biện pháp tài chính chậm. Trước hết, thị trường bất động sản có tiến triển hơn so với năm ngoái nhưng vẫn trầm lắng, đất có rồi nhưng bán không được. Nguyên nhân này rất khó khắc phục vì thị trường. "Chúng ta có tài sản, có hàng hóa, có quỹ đất để bán nhưng không có người mua, không có doanh nghiệp đầu tư thì cũng có thể không thu được", ông Yên lý giải.

Nguyên nhân thứ 2, liên quan chủ yếu đến các dự án thì về thủ tục pháp lý để tạo quỹ đất để bán hay kêu gọi đầu tư, đấu giá các dự án lớn rất khó khăn, thủ tục pháp lý liên quan đến nhiều luật. "Chúng ta phải đối chiếu, phù hợp với tất cả các luật thì mới làm được. Chúng ta phải làm cho đúng chứ không thể khác được", Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ 3 là về giá. "Tình hình thị trường trầm lắng thì giá là một vấn đề khó khăn trong bán đấu giá. Bởi, nguyên tắc định giá là dựa trên giá lịch sử. Tuy nhiên, theo nhìn nhận chung của nhiều ngành, thì giá có phần cao so với thực tế nhu cầu nhưng chưa giảm ngay được mà phải có lộ trình", ông Yên lý giải.

Theo các đại biểu, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Lắk từ 6-6,8% trong năm 2024, nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm là khá nặng nề. Để đạt được tốc độ tăng trưởng này thì 3 trụ cột kinh tế là nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp xây dựng; thương mại, dịch vụ phải phát triển đúng hướng và khai thác tiềm năng lợi thế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành địa phương quyết liệt hành động để thực hiện mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại kỳ họp.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại kỳ họp.

"Chúng ta phải hành động. Trong đó, có một số hành động phải làm ngay là rà soát các chỉ tiêu, chỉ ra chỗ nào cần phải rà soát. Hiện nay, có 2 lĩnh vực tác động đến tăng trưởng kinh tế, nông nghiệp là ổn rồi nhưng còn công nghiệp - dịch vụ đang rất thấp chỉ bằng 50% so với kịch bản nên phải hành động ngay, rà soát nó ở chỗ nào để có hành động rất cụ thể.

Hành động thứ 2 là phải rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách sau khi các nghị định của Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8, đẩy lên để tháo gỡ khó khăn. Khi không vướng luật thì chúng ta hành động ngay thì mới đi vào cuộc sống, rất mong các sở, ngành ủng hộ cho UBND tỉnh để làm việc này", ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.

Thông qua 21 Nghị quyết

Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X đã tiến hành xem xét, thảo luận và thống nhất biểu quyết thông qua 8 Nghị quyết quy phạm pháp luật, 13 Nghị quyết cá biệt và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Trong đó, có nhiều nội dung có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, phục vụ công tác điều hành, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương như: Nghị quyết quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết quy định mức chi đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết quy định mức chi cho công tác thỏa thuận quốc tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;…

Các đại biểu thống nhất biểu quyết thông qua 21 Nghị quyết.

Các đại biểu thống nhất biểu quyết thông qua 21 Nghị quyết.

Để thực hiện hoàn thành, vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2024; tiếp tục thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa đề nghị, UBND tỉnh bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 53 của HĐND tỉnh để tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, toàn diện quy hoạch chung của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực; kịp thời rà soát các nội dung, cơ chế, chính sách cần trình HĐND tỉnh ban hành hoặc sửa đổi theo yêu cầu của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là các luật mới được ban hành và bắt đầu có hiệu lực. Qua đó, tạo sự thống nhất ý chí và hành động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần đưa chính sách, nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra…

Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa phát biểu bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa phát biểu bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa cũng nêu rõ, để tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động, HĐND tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức các kỳ họp chuyên đề theo quy định và yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, các quy định pháp luật và giải quyết các kiến nghị, phản ánh, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm...

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dak-lak-giai-trinh-nguyen-nhan-thu-bien-phap-tai-chinh-cham-204240711203430905.htm
Zalo