Đắk Lắk đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã dành nhiều nguồn lực và sự quan tâm cho lĩnh vực then chốt này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, đặc biệt là ở phân khúc nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thăm nhà máy Công ty CP mía đường 333 tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk
Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong giai đoạn 2021 - 2024, địa phương đã chi hơn 28.300 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo và dạy nghề. Các chương trình đầu tư chủ yếu tập trung vào cải thiện cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, chính sách hỗ trợ học phí và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Dù vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ đạt 22,25%. Đáng quan ngại hơn, nhân lực có trình độ cao trong các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa vẫn còn rất hạn chế.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn thẳng thắn chỉ rõ, phần lớn doanh nghiệp tại Đắk Lắk hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực tiếp nhận hoặc tham gia sâu vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều ngành nghề đặc thù cần sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo lý thuyết và thực hành lại chưa có chương trình đào tạo tương xứng tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát
Thực tế này được thể hiện rõ nét tại một số doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ hiện đại. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP mía đường 333 Nguyễn Bá Thành cho biết, dù đã chủ động tự đào tạo nội bộ theo mô hình “người cũ kèm người mới”, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động kỹ thuật lành nghề. Ngành mía đường hiện chưa có các chương trình đào tạo chuyên sâu phù hợp, dẫn tới tình trạng “thiếu trước hụt sau” ngay cả với những vị trí kỹ thuật cơ bản.
Ở góc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, Trường Đại học Tây Nguyên, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của khu vực cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuy có tới 35 ngành đào tạo đại học, 11 ngành thạc sĩ và 5 ngành tiến sĩ, nhưng công tác tuyển sinh vẫn gặp khó, nhất là với các ngành đặc thù phù hợp với nhu cầu thực tiễn địa phương như nông - lâm nghiệp. Dù đây là nhóm ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao và mức thu nhập tốt, nhưng lại chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức từ người học.

Sinh viên Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đang học tập tại Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện trực thuộc trường
Từ thực tiễn này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ làm Trưởng đoàn nhận định, Đắk Lắk đang thiếu một chiến lược phát triển nguồn nhân lực có tính dài hạn, đồng bộ và thực chất. Việc thiếu liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - chính quyền khiến nguồn nhân lực được đào tạo không sát với nhu cầu sử dụng, khó phát huy hiệu quả sau đào tạo.
Theo Đoàn giám sát, cùng với việc điều chỉnh định hướng ngành nghề và mở rộng quy mô đào tạo phù hợp với xu thế phát triển mới, Đắk Lắk cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp phổ thông; xây dựng các chính sách thiết thực để thu hút nhân tài, đặc biệt là đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần khẩn trương xây dựng hệ sinh thái nhân lực gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, qua đó tạo nền tảng vững chắc để người học có thể lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình.
Phát triển nguồn nhân lực không chỉ là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng suất lao động, mà còn là “chìa khóa” để Đắk Lắk phát huy lợi thế nội lực, rút ngắn khoảng cách phát triển và hội nhập bền vững trong tương lai.